Chiều 7/9, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết, ông N.N.D. (54 tuổi, ngụ Bà Rịa Vũng Tàu), bệnh nhân thứ 6 bị ngộ độc Clostridium botulinum có trong pate Minh Chay, vẫn chưa có tiến triển.
Bệnh nhân N.N.D điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo đó, sau hơn một tuần lọc máu, thay huyết tương, tình trạng của ông D. vẫn chưa có sự phục hồi đáng kể.
Hiện bệnh nhân trong tình trạng liệt, có thể vận động các ngón tay nhưng không nhấc nổi khỏi mặt giường, vẫn phải thở hoàn toàn bằng máy do suy hô hấp. Ông D. có thể sẽ phải thở máy một tháng.
Theo bác sĩ Hùng, do chưa có thuốc kháng độc nên từ khi nhập viện, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ thở máy hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu và thay huyết tương, lọc máu…
Tuy nhiên mức độ hồi phục không đáng kể. Kết quả này tương đối phù hợp với các ca nhiễm độc botulinum được ghi nhận trên thế giới, đặc biệt với người ăn phải lượng độc nhiều thì tình trạng liệt kéo dài, mức độ nặng nề.
"Tiên lượng sắp tới bệnh nhân này phải thở máy kéo dài nhiều tháng chứ không chỉ một vài tuần nữa. Và tin vui mới nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chấp nhận cung cấp thuốc cho Việt Nam và hi vọng trong thời gian sớm nhất sẽ có để cân nhắc sử dụng điều trị cho bệnh nhân", bác sĩ Hùng nói.
Tương tự, ca ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 chưa có tiến triển gì đáng kể sau gần một tháng nhập viện. Bác sĩ Phạm Công Doanh - khoa hồi sức tích cực chống độc (trực tiếp điều trị cho bệnh nhân) - cho biết phần lớn sức cơ của bệnh nhân bị ngộ độc botulinum cần thời gian phục hồi rất lâu.
Chưa hết, trong khoảng thời gian chờ phục hồi sức cơ, bệnh nhân còn đối diện với các nguy cơ viêm phổi do thở máy lâu ngày, các biến chứng nhiễm trùng đường hô hấp.