Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?
Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể trẻ sẽ làm mát bằng cách tăng tiết nhiều mồ hôi để giải nhiệt, do đó cơ thể trẻ dễ bị mất nước kèm theo rối loạn các chất điện giải.
Ngoài ra, hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu kém kèm với thời tiết nắng nóng rất dễ làm trẻ bị mắc bệnh và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Những bệnh trẻ em thường bị mắc phải vào mùa nắng nóng
Sốt phát ban
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Sốt phát ban là loại bệnh sốt và kèm theo nổi những nốt màu hồng (thường sau cơn sốt của bệnh), trẻ mệt mỏi, ngứa ngáy, tình trạng này có thường kéo dài 2, 3 ngày.
Sốt phát ban dễ lây trong môi trường như nhà trẻ, trường học… Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh bị ho, hắt hơi hoặc chảy nước mũi.
Sốt phát ban do nhiều loại virus khác nhau gây ra và thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục 39 – 40 độ C, biếng ăn, nằm li bì, có khi co giật do sốt trong những ngày đầu tiên. Khi bớt sốt, trên người trẻ thường nổi những nốt hồng ban lan dần từ mặt đến bụng, chân tay.
Tiêu chảy cấp
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần mỗi ngày. Tiêu chảy khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và có thể dẫn đến tử vong vì cơ thể mất nước và điện giải.
Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp là do các loại virus (rotavirus, adenovirus…), vi khuẩn (các chủng vi khuẩn Ecoli, vi khuẩn thương hàn, khuẩn tả) và các loại kí sinh trùng (amip, giardia) với nhiều cơ chế gây bệnh khác nhau. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, tiêu chảy là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở trẻ em.
Viêm đường hô hấp cấp
Viêm hô hấp cấp là một bệnh nhiễm trùng làm suy giảm chức năng hô hấp bình thường, nếu không được điều trị có thể lây lan sang toàn bộ hệ thống hô hấp.
Trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi. Viêm đường hô hấp cấp là bệnh không quá nguy hiểm, trẻ có thể tự khỏi sau một tuần. Tuy nhiên có khả năng tái phát lại nhiều lần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa.
Cách chăm sóc trẻ ngày nắng nóng
Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt
Tạo dựng thói quen rửa tay sạch sẽ- đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.
Ăn uống hợp vệ sinh
Vấn đề chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Tạo môi trường sống trong lành và an toàn
Luôn giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành như: phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, giúp hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Ngoài ra, phụ huynh nên tạo thói quen khi ngủ mắc màn, tham gia phong trào diệt lăng quăng,...
Tăng cường lượng dịch uống
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Luôn luôn tăng cường lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội,... giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật.
Tiêm ngừa đầy đủ
Những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ trong suốt mùa nắng nóng này.
Không để trẻ chơi đùa ngoài trời nắng quá lâu
Bố mẹ không nên để trẻ chơi đùa, hoạt động bên ngoài trời nắng nóng quá lâu, nhất là thời điểm nắng gay gắt nhất (từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều). Nếu có việc cần đi ra ngoài thì nên cho trẻ đội mũ, nón rộng vành, che kín toàn thân để hạn chế ánh nắng trực tiếp gây hại cho trẻ.
Một số cách chăm sóc trẻ ngày nắng nóng khác
Tập thói quen mang khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra đường.
Bố mẹ nên cho trẻ mặc những bộ quần áo thoáng mát, chất liệu vải mềm và thấm hút tốt. Việc lựa chọn quần áo mặc cũng có ý nghĩa quan trọng giúp cơ thể được thoải mái, dễ chịu.
Cha mẹ nên lau mồ hôi thường xuyên cho con
Nếu quần áo con đang mặc bị ướt mồ hôi thì cần thay quần áo khô.
Thời tiết nắng nóng rất có thể làm cơ thể của trẻ bị mất nước. Vì thế, ngoài việc cung cấp đầy đủ chế độ dinh dưỡng thì các bậc cha mẹ cũng cần chú ý chăm sóc con khi nằm điều hòa, vệ sinh thân thể,... Nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.