Theo đó, tổ có 33 người, trong đó có 15 bác sĩ điều trị sốt xuất huyết cho trẻ em đến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP. Các bác sĩ đang công tác tại các Khoa Hồi sức tích cực, Sốt xuất huyết, Nhiễm, Cấp cứu. Riêng Bệnh viện Nhi đồng TP có 2 phó giám đốc tham gia.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: toiladansaigon.com)
Đối với người lớn có 13 bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Quân y 175, Bệnh nhiệt đới, Trưng Vương, quận Tân Phú, Tâm Anh. Bên cạnh đó, còn có 4 bác sĩ nội soi tiêu hóa và ngoại tiêu hóa, 1 bác sĩ truyền máu huyết học thuộc các Bệnh viện Bình Dân, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Truyền máu Huyết học.
Nhiệm vụ của tổ là tham gia cập nhật, bổ sung hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; tham gia hội đồng chuyên môn, tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí ca bệnh nặng; tham gia quy trình báo động đỏ trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nặng...
Sở Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 64.461 trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 1.423 ca sốt xuất huyết nặng. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 26 trường hợp, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2021. Khoảng 75% số trường hợp tử vong sốt xuất huyết vừa qua là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện muộn làm tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.
Do đó, khi có dấu hiệu sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục, người dân cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.
Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc cũng như bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để nhanh chóng đến bệnh viện.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, khi hạ sốt, người dân càng cần phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.