Theo đó, nhằm tăng cường vận dụng các bài học kinh nghiệm của Ngành Y tế được đúc kết từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có bài học kinh nghiệm về huy động mọi nguồn lực trong xã hội, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chính thức huy động hệ thống các nhà thuốc tham gia các hoạt động giúp hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có hơn 6.500 nhà thuốc, thường ở các khu vực đông dân cư như gần chợ, khu công nghiệp... nên việc kêu gọi các nhà thuốc tham gia chống dịch Covid-19 sẽ mang ý nghĩa thiết thực, cần thiết trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Sở Y tế đề nghị các nhà thuốc trên địa bàn thành phố sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Cụ thể, nhà thuốc sẽ tham gia 3 hoạt động, gồm: Cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng và thuốc cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người mắc Covid-19.
Nhà thuốc cung ứng thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn đối với bệnh Covid-19 và các bệnh lý khác đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế; cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn cho người sử dụng và theo dõi việc sử dụng thuốc, góp phần đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.
Nhà thuốc cung ứng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo danh mục cho phép của Bộ Y tế, máy đo nồng độ oxy trong máu (đối với các nhà thuốc đã công bố đủ điều kiện), dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý 0,9%, khẩu trang y tế, nhiệt kế...
Hoạt động 2 là truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0. Trường hợp người bệnh có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở..., nhà thuốc hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử và liên hệ với trạm y tế, trạm Y tế lưu động, tổ chăm sóc Covid-19 tại cộng đồng gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) chịu trách nhiệm cung cấp nội dung hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 cho các nhà thuốc. Chi hội Dược nhà thuốc huy động hội viên tham gia, tập huấn cho các hội viên nâng cao nhận thức về vai trò của nhà thuốc trong công tác phòng chống dịch.
Hoạt động 3 là tham gia làm cầu nối giữa người F0 với các trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc Covid-19 cộng đồng. Nhà thuốc cung cấp các thông tin về trạm y tế, Trạm y tế lưu động trên địa bàn cho người dân biết và liên hệ khi cần; phối hợp với trạm y tế, trạm y tế lưu động phát hiện, theo dõi, chăm sóc sức khỏe người bệnh Covid-19.
Tùy theo nhu cầu thực tế tại từng địa phương. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận huyện/thành phố Thủ Đức lựa chọn các nhà thuốc để cùng với trạm y tế, trạm y tế lưu động tham gia quản lý và cấp phát túi thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà.
Phòng Y tế chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà thuốc với các Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động trong công tác chăm sóc và quản lý F0 trên địa bàn, lựa chọn nhà thuốc trên địa bàn để triển khai thực hiện bảo quản, cấp phát thuốc cho người bệnh Covid-19.
Trung tâm Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo các Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động chủ động phối hợp với nhà thuốc trên địa bàn trong công tác tư vấn, hỗ trợ cho người bệnh Covid-19, cung cấp đầy đủ và cập nhật thông tin và Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động cho nhà thuốc (kèm số điện thoại liên lạc).
Sở Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện.