Thứ 2, 25/11/2024, 07:39 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Thấy con xanh xao, lao vào nhồi sắt

Thấy con xanh xao, lao vào nhồi sắt
(Tieudung.vn) - Nhiều cha mẹ thấy con xanh xao vàng vọt đã tự ý bổ sung sắt cho trẻ mà không tham khảo bác sĩ về cách sử dụng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Sắt là một chất độc cho cơ thể nếu bổ sung không đúng liều lượng. Nên bổ sung sắt cho trẻ hay không và như thế nào là an toàn?

Mô tả ảnh
 

BS Đinh Thị Kim Liên, nguyên giám đốc trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bạch Mai cho biết, nhận thức thiếu máu đồng nghĩa với việc thiếu sắt là hoàn toàn sai lầm.

"Có bà mẹ đưa con 2 tuổi tới trung tâm dinh dưỡng chỉ hỏi bác sĩ uống loại sắt nào vì nói con thiếu máu, mà không cần biết có phù hợp hay không", BS Liên kể. 

Bác sĩ nhấn mạnh, bổ sung sắt bằng thuốc chỉ nên áp dụng với những trẻ qua kiểm tra rõ ràng bị thiếu sắt thể trung bình hoặc nặng, đã có biểu hiện của thiếu máu do thiếu sắt rõ ràng. Không nên tự chẩn đoán, tự bổ sung thuốc mà phải đi khám bác sĩ đề nhận được kết quả chính xác và kịp thời.

Khi tình trạng thiếu sắt kéo dài, ở mức độ nặng thì biểu hiện dễ nhận thấy nhất là trẻ mệt mỏi, kém ăn, da xanh, sức chống đỡ với bệnh tật kém; móng tay, móng chân dễ gãy. 

Trẻ sinh non, cân nặng thấp hoặc mẹ bị thiếu máu khi rất dễ bị thiếu máu, thiếu sắt.

Khi trẻ thiếu sắt ở mức độ nhẹ thì tốt nhất là bổ sung bằng chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cho ăn những thức ăn giàu sắt để hấp thu sắt qua thức ăn. 

Trường hợp trẻ bị thiếu máu ở mức độ vừa đến nặng cần bổ sung sắt nhanh chóng thì dùng tới thuốc sắt, nhưng phải đánh giá tình trạng cụ thể của trẻ qua các xét nghiệm, chỉ định của bác sĩ.

Thành chất độc nếu quá nhiều

Thừa sắt cũng có tác hại không kém gì thiếu sắt vì sắt là kim loại nặng gây độc cho mô cho tế bào, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thể, khả năng đào thải sắt qua gan và thận của trẻ lại chưa hoàn thiện do đó rất dễ gây ngộ độc nếu dùng nhiều.

Bổ sung sắt quá liều trong thời gian dài còn có thể gây các nguy cơ như tổn thương gan, bệnh cơ tim, tăng đường máu…

Theo BS Liên, không phải trường hợp nào thiếu máu cũng là thiếu sắt. Một số bệnh lý gây thiếu máu do hiện tượng tan máu trong cơ thể, khi đó lượng sắt trong cơ thể vốn đang thừa nhiều do hồng cầu bị vỡ giải phóng ra. Việc bổ sung thêm sắt vào lúc này sẽ làm bệnh nặng hơn. Do đó, việc uống thuốc cần phải có chẩn đoán rõ ràng và theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Bác sĩ nhấn mạnh, khi trẻ đang bị nhiễm khuẩn thì dùng thuốc có sắt sẽ không có lợi cho trẻ, nguồn sắt cung cấp vào sẽ giúp cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ. 

Uống thuốc sắt cùng với kháng sinh trong điều trị bệnh làm giảm của kháng sinh. Do đó, sẽ làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.

Mô tả ảnh
 

"Không thể cứ thấy con xanh xao là cho uống sắt. Bổ sung sắt mà ăn thiếu đạm, thiếu vitamin C thì không có tác dụng, có khi gây táo bón cho trẻ. Trong cấu tạo hồng cầu, sắt là phần nhỏ, ngoài ra còn cần có đạm, vitamin C, axit folic...", bác sĩ Liên khuyến cáo. 

Theo bác sĩ Liên, với trường hợp con còi cọc, thấp bé, hoặc đang trong giai đoạn phát triển, việc tự ý cho uống bổ sung canxi cũng tương tự như tự ý dùng thuốc sắt. Thừa canxi sẽ gây lắng đọng nhiều ở thận gây sỏi thận. 

"Uống canxi không đủ, hấp thụ canxi tốt còn cần đến phốt pho theo một tỉ lệ cân đối. Có người cho rằng, chỉ uống là đủ, mà không chú trọng tới ăn giàu canxi. Canxi hấp thu phải có vitamin D mới chuyển hóa vào xương. Chỉ uống canxi nhưng giữ rịt con trong nhà, ra đường bịt kín thì ko tác dụng gì", bác sĩ Liên nói. 

Bổ sung sắt bằng thức ăn

Nguồn cung cấp sắt cho cơ thể được lấy từ các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hoặc thực vật. 

So với lượng sắt từ thực vật, sắt từ động vật dễ hấp thu hơn, các chế phẩm từ động vật cũng cung cấp nhiều sắt hơn. Vì vậy, nên tăng cường các loại thịt, cá trong thực đơn dinh dưỡng cho trẻ để đảm bảo đủ lượng sắt cần thiết.

Vitamin C sẽ giúp tăng cường khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Vì vậy, cũng nên tăng cường thực phẩm giàu vitamin C như cam, dứa, dâu cải bắp, bông cải xanh, cà chua...

Thực phẩm nhiều sắt từ động vật gồm các loại thịt như thịt bò, thịt cừu hoặc thịt lợn; gia cầm, cá và tôm, cua. 

Thực phẩm chứa sắt từ thực vật gồm ngũ cốc nguyên hạt; các loại đậu và hạt; rau lá xanh như rau bina, bông cải xanh; trái cây khô như nho, mơ, chà là, mận khô; trứng, bơ đậu phộng...

Tags:
5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.32957 sec| 776.313 kb