Thứ 6, 22/11/2024, 04:54 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Tháng 7, 8 thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng sẽ được nhập về Việt Nam

Tháng 7, 8 thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng sẽ được nhập về Việt Nam
(Tieudung.vn) - Ngày 5/6, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được công văn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về việc hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng (Immunoglobulin, Phenobarbital) khi tình hình dịch bệnh này diễn biến phức tạp.

Dự kiến, tháng 7 và 8 tới, các loại thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng sẽ được nhập về Việt Nam.

Với thuốc chứa Immunoglobulin, hiện nay có 13 loại được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Các cơ sở nhập khẩu thuốc , thuốc Human normal immunoglobulin 100mg/ml do Công ty Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu còn 2.344 hộp loại 250ml và 215 hộp loại 50ml. Dự kiến giữa tháng 8, nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250ml.

Tháng 7, 8 thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng sẽ được nhập về Việt Nam

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Với thuốc Immunoglobulin 5% do Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Duy Anh nhập khẩu, hiện Chợ Rẫy còn tồn 300 lọ. Dự kiến, cuối tháng 7, nhà sản xuất sẽ cung ứng cho Việt Nam 5.000-6.000 lọ.

Đối với thuốc Phenobarbital, hiện có 1 loại thuốc này (do Công ty cổ phần Dược Danapha sản xuất) được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Ngoài ra, Cục Quản lý dược đã cấp phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 nhập khẩu thuốc Barbit là thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt. Theo báo cáo, đầu tháng 7 sẽ có 21.000 ống thuốc Phenobarbital 200mg/ml về Việt Nam.

Để bảo đảm công tác cung ứng đủ thuốc cho điều trị, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh.

Đồng thời, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động liên hệ với cơ sở nhập khẩu để dự trù, đặt hàng, mua sắm và dự trữ thuốc theo đúng quy định. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm nguồn cung về thuốc.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.670 ca mắc tay chân miệng ở trẻ em. Đáng chú ý, từ giữa tháng 5 đến nay, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Riêng trong tuần 21 (từ ngày 22-28/5), trên toàn thành phố ghi nhận 157 ca mắc tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Thực tế, tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, nếu trước đây, mỗi ngày chỉ tiếp nhận khoảng 5-10 ca trẻ mắc tay chân miệng, hai tuần trở lại đây đã tăng lên từ 10-20 ca/ngày. Số ca bệnh tăng lên cả ở khám ngoại trú và nhập viện điều trị nội trú.

Khoa Nhiễm-Bệnh viện Nhi đồng thành phố đang điều trị cho 5 trẻ mắc tay chân miệng nặng, trong đó có 3 trường hợp đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ và 2 trẻ có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh. Trong 5 trẻ mắc tay chân miệng có 3 trẻ đang phải thở máy, tiên lượng nguy kịch.

Tương tự, số ca mắc tay chân miệng đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có dấu hiệu gia tăng. Trung bình mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 20-30 bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám và nhập viện.

Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 5 tháng đầu năm nay tiếp nhận gần 1.400 lượt trẻ đến khám bệnh tay chân miệng; trong đó, có 158 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú. Đặc biệt, số trẻ nhập viện bắt đầu gia tăng từ giữa tháng 5.

 

Tags:
3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.48451 sec| 785.766 kb