Thứ 7, 14/09/2024, 21:20 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Số ca mắc bệnh sởi tại TP Hồ Chí Minh tăng mạnh trong tuần qua

Số ca mắc bệnh sởi tại TP Hồ Chí Minh tăng mạnh trong tuần qua
(Tieudung.vn) - Chiều ngày 3/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin, số ca sốt phát ban nghi sởi tại TP Hồ Chí Minh trong tuần qua tăng mạnh với gần 54% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Theo đại diện HCDC, trong tuần 35 (từ ngày 26/8 đến ngày 1/9/2024), tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 118 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 106 ca sởi.

Các quận, huyện có số ca mắc cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.

Từ đó nâng tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tại TP Hồ Chí Minh tích lũy từ đầu năm đến nay là 644 ca.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 3 ca tử vong liên quan đến sởi, trong đó có 2 ca ở TP và 1 cả ở tỉnh. Những trường hợp tử vong này là những trẻ có bệnh bẩm sinh.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca sởi đang tăng nhanh và trẻ ở dưới 5 tuổi chiếm 73,2%, đáng lo ngại xu hướng này chuyển dịch lên nhóm tuổi lớn hơn.

Số ca mắc bệnh sởi tại TP Hồ Chí Minh tăng mạnh trong tuần qua

Tiêm chủng cho trẻ em là một trong những biện pháp phòng hiệu quả đối với trẻ em. Ảnh minh họa

Nguyên nhân gia tăng trong thời gian qua là do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỷ lệ bao phủ vaccine chưa đạt, ở mức dưới 95%; đồng thời, có gần 20% trẻ trên địa bàn, nhưng có địa chỉ tỉnh khác, nên trạm y tế không biết để mời tiêm.

Để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine sởi trên địa bàn, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi với 308 bàn tiêm tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức và 8 bệnh viện tuyến TP, quận, huyện.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho biết, sau 3 ngày triển khai chiến dịch, đến nay TP Hồ Chí Minh đã tiêm được cho 12.625 trường hợp. Trong đó có 77 trường hợp trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm tại bệnh viện và 19 trường hợp là nhân viên y tế.

Trong thời gian này, HCDC cũng đã tổ chức đoàn giám sát để kiểm tra hoạt động tiêm chủng tại các trạm y tế.

  giám sát cho thấy, quy trình tổ chức tiêm chủng tại các trạm y tế được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.

Theo ghi nhận, các điểm tiêm đều đảm bảo an toàn và hiệu quả, từ khâu chuẩn bị đến tiêm chủng và xử lý phản ứng sau tiêm.

Cùng với đó, công tác truyền thông tại các trạm y tế cũng được thực hiện rộng rãi, giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc tiêm phòng và khuyến khích gia đình đưa trẻ em đi tiêm đúng lịch.

Liên quan đến bệnh sởi, từ đầu năm 2024 Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có sởi.

Trong đó, các đối tượng của Chiến dịch tiêm chủng sởi lần này được mở rộng cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine - khác với kế hoạch tiêm bù, tiêm vét đã được thực hiện trước đây chỉ tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch, lây qua đường không khí do virus thuộc họ Paramyxoviridae, dạng hình cầu, đường kính 120 - 250nm gây nên.

Bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân và hay gặp chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi với các triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

Để phòng, chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. 

Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Đặc biệt, khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tags:
4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.38459 sec| 786.672 kb