Theo đó, qua kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm phát hiện "Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm Hoàng Kim Giáp Biệt Dược" của Hợp tác xã (HTX) Thuốc Nam gia truyền dân tộc Dao (số 7940/2018/ĐKSP ngày 5/10/2018 đăng tải tại đường link https://www.dieutribuouco.xyz/vienyhoccotruyen) là giả mạo.
Giấy phép giả mạo của sản phẩm Hoàng Kim Giáp. (Nguồn ảnh: Cục An toàn thực phẩm)
Tại địa chỉ https://www.dieutribuouco.xyz/vienyhoccotruyen, Hoàng Kim Giáp Biệt Dược được quảng cáo có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuyển GMP - WHO, được Bộ Y Tế cấp phép và lưu hành sử dụng. Sản phẩm đặc trị và ngăn ngừa sự phát triển của tuyến giáp, bướu cổ, basedow, cường giáp, suy giáp và một số loại u khác.
Trên giấy giả mạo này có ghi rõ, Cục An toàn thực phẩm xác nhận đã nhận Bản công bố sản phẩm của HTX Thuốc Nam gia truyền dân tộc Dao (địa chỉ ở thôn Hợp Sơn, xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội) cho sản phẩm Hoàng Kim Giáp Biệt Dược phù hợp với tiêu chuẩn nhà sản xuất.
Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm khẳng định không cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Hoàng Kim Giáp Biệt Dược của HTX Thuốc Nam Gia Truyền Dân Tộc Dao (địa chỉ: Thôn Hợp Sơn, xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội).
"Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Hoàng Kim Giáp Biệt Dược nêu trên là giả mạo", Cục An toàn thực phẩm nêu rõ.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng phát đi cảnh báo khẳng định "Giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm" của sản phẩm thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm cũng là giả mạo. Cục không cấp giấy này cho sản phẩm Mộc Y Lâm của Hộ kinh doanh nhà thuốc gia truyền Phạm Anh Đào (địa chỉ: phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).