Nghi ngờ sốc ma tuý?
Liên quan đến sự việc nữ bệnh nhân 33 tuổi tử vong sau khi được phẫu thuật nâng ngực tại BVTM Emcas, ngày 18/10, BVTM Emcas đã phát đi thông tin báo chí thừa nhận có vụ việc này xảy ra. Theo đó, BVTM Emcas cho biết ngày 17/10 có trường hợp bệnh nhân tên V.N.A.T (33 tuổi) tử vong sau khi nâng ngực tại cơ sở này, tuy nhiên, lại không hề đá động gì đến nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong.
Để giải đáp khúc mắc này, sáng ngày 19/10, PV Báo Kinh tế & Đô thị đã đến trụ sở của BVTM Emcas (14/27 Hoàng Duy Khương, phường 12, quận 10). Tại đây, PV được hướng dẫn trao đổi với ông Hùng (ông này cũng là người tiếp báo chí ngày 18/10 và cũng là người đại diện Emcas cung cấp thông tin báo chí đến PV).
Thông tin báo chí của BVTM Emcas. |
Trong buổi làm việc, khi PV đề cập đến nghi vấn có phải bệnh nhân tử vong vì sốc phản vệ hay không thì ông Hùng lập tức phủ nhận.
“Không phải sốc phản vệ, chỉ có sốc thuốc chứ không có sốc phản vệ”, ông Hùng nói.
Để rõ hơn cho điều mình vừa nói, ông Hùng giải thích sốc thuốc đang được ông nhắc đến ở đây là sốc ma tuý.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, một Bác sĩ thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, nâng ngực được đánh giá là một cuộc đại phẫu. Do đó, việc kiểm tra thăm khám, xét nghiệm để xác định rõ tình trạng sức khỏe ngay thời điểm hiện tại của bệnh nhân là điều vô cùng quan trọng. Bởi phẫu thuật nâng ngực chống chỉ định đối với các trường hợp phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt, người mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, tiểu đường, máu khó đông, kích ứng thuốc mê hoặc người đang điều trị tâm lý,... vì có thể xảy ra các biến chứng, rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình phẫu thuật. Vậy nên chỉ có phương pháp xét nghiệm máu trước khi mổ thì Bác sĩ mới nắm rõ tổng thể sức khỏe và chuẩn bị tốt nhất cho cuộc phẫu thuật nâng ngực. “Ma tuý hay bất kỳ chất gây nghiện, chất kích thích nào khi đi vào cơ thể cũng tạo thành một trong các thành phần của máu. Vì vậy xét nghiệm máu có thể phát hiện các chất gây nghiện. Với mỗi chất gây nghiện khác nhau, thời gian tồn tại trong máu khác nhau sẽ cho kết quả xét nghiệm máu với tỷ lệ chính xác khác nhau” Bác sĩ này nhấn mạnh. |
“Có cái nghi ngờ như thế, đang chờ kết quả của bên pháp y. Khả năng là có sử dụng ma túy. Cái này chưa công bố gì hết, nói thế thôi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Vừa dứt lời thì có một cuộc điện thoại gọi đến, ông Hùng ra ngoài nghe điện thoại. Khi ông Hùng quay lại phòng làm việc, để rõ hơn về vấn đề sốc ma tuý mà trước đó ông Hùng có nhắc đến nên PV hỏi lại. Thì lúc này ông Hùng lại quay sang phủ nhận khi cho rằng, chuyện sốc ma tuý mà ông vừa nói trước đó vài phút chỉ là suy đoán cá nhân, chưa có căn cứ.
Cuối buổi trò chuyện, PV hỏi về vai trò cụ thể của ông Hùng tại BVTM Emcas thì ông này cho biết, bản thân không được đại diện phát ngôn mà chỉ làm nhiệm vụ tiếp báo chí thay BVTM Emcas.
PV lại hỏi vậy có phải là đại diện truyền thông hay không? Thì ông Hùng trả lời là tạm coi như thế vì không có chức danh đấy.
Là đại diện trực tiếp thay mặt BVTM Emcas làm việc với các cơ quan báo đài, thông tin nghi ngờ sốc ma tuý mà ông Hùng đưa ra thật sự gây sốc. Có hai vấn đề cần phải quan tâm trong trường hợp này.
Thứ nhất, nếu thông tin sốc ma tuý mà ông Hùng nói là không đúng sự thật, thì tại sao ông Hùng lại phải làm điều đó. Liệu rằng đây có phải là cách để BVTM Emcas đổ lỗi cho người đã chết hay không?
Thứ hai, nếu thông tin sốc ma tuý mà ông Hùng nói là thật, vậy thì BVTM Emcas đã tiến hành việc kiểm tra thăm khám, xét nghiệm để xác định rõ tình trạng sức khỏe của nhân bệnh trước khi nâng ngực như thế nào? Có đúng theo quy trình của Bộ Y tế hay không?
Chết vì sốc phản vệ?
Như đã nói bên trên, trong thông tin báo chí dài 1 trang A4 (ngày 18/10), BVTM Emcas có đề cập khá đầy đủ về thông tin về vụ việc. Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân là Bác sĩ Đ.V.H (có Chứng chỉ hành nghề Phẫu thuật thẩm mỹ). Giữa BVTM Emcas và Bác sĩ Đ.V.H có ký kết Hợp đồng hợp tác chuyên môn từ năm 2016.
BVTM Emcas tại địa chỉ 14/27 Hoàng Duy Khương, phường 12, quận 10. |
Đồng thời, cũng trong thông tin báo chí này, BVTM Emcas tường tận kể lại quá trình phẫu thuật nâng ngực của bệnh nhân V.N.A.T (SN 1986). Theo đó, bệnh nhân được phẫu thuật nâng ngực lúc 14h30 (ngày 17/10) và ca phẫu thuật hoàn tất lúc 15h20. Sau đó, bệnh nhân được đưa ra khỏi phòng mổ và tỉnh táo về phòng hồi sức lúc 15h30. Sau 3 giờ, bệnh nhân được chuyển trại về phòng nghỉ dưỡng dành cho bệnh nhân với tình trạnh bình thường: tiếp xúc tốt, đã được dặn nhịn ăn, bệnh nhân đi lại bình thường, tự đi vệ sinh và không có chích thuốc gì thêm.
Tuy nhiên, sau 5 giờ, bệnh nhân có biểu hiện bất thường: sùi bọt mép, lơ mơ. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành các biện pháp cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển viện sang bệnh viện Nhân dân 115.
Đáng nói là BVTM Emcas hoàn toàn không đá động gì đến thời gian bệnh nhận được chuyển đến bệnh viện Nhân dân 115 là lúc nào, sau bao lâu thì tử vong, nguyên nhân tử vong là gì…
Trong một diễn biến khác, vào lúc 15h16 ngày 18/10 Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết cụ thể bệnh nhân V.N.A.T đột ngột khó thở, mạch nhanh, huyết áp hạ là vào thời điểm 20h45 (ngày 17/10). BVTM Emcas đã tiến hành hồi sức tích cực và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 lúc 22h37 cùng ngày. Đến 22h45 ngày 17/10 bệnh nhân tử vong.
Căn cứ theo thông tin từ Sở Y tế TP, có thể thấy rằng khoảng thời gian bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Nhân dân 115 và tử vong chỉ vỏn vẹn trong 8 phút (từ 22h37 đến 22h45 (ngày 17/10). Liệu rằng trong thời gian ngắn ngủi này bệnh viện Nhân dân 115 đã kịp làm gì để cấp cứu cho bệnh nhân.
Ngày 18/10, Sở Y tế TP thông tin cụ thể về vụ việc. |
Có thể thấy rằng, lúc được chuyển đến bệnh viện Nhân dân 115 tình hình bệnh nhân đã rất nguy kịch, điều này cũng lý giải vì sau chỉ sau 8 phút bệnh nhân đã tử vong. Việc chuyển bệnh nhân đi lúc này là để tăng cơ hội cứu sống người bệnh hay chỉ là cách để BVTM Emcas hợp thức hoá cái chết của bệnh nhân càng xa BVTM Emcas càng tốt (?).
Thêm vào đó, trong thông tin báo chí, BVTM Emcas có nhắc đến việc bệnh nhân được tiến hành các biện pháp cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện này trước khi được chuyển sang bệnh viện Nhân dân 115. Nhưng lại không hề nói rõ việc bác sĩ của BVTM Emcas đã chuẩn đoán bệnh nhân bị gì? Cấp cứu và hồi sức tích cực ở đây cụ thể là gì đều không được BVTM Emcas đề cập đến.
Theo tìm hiểu của PV, một số triệu chứng của sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay bao gồm: Khó thở hoặc thở khó chịu, đau ngực hoặc tức, huyết áp thấp, mạch yếu và nhanh, chóng mặt, lẫn lộn…Những triệu chứng này khá tương đồng với triệu chứng của bệnh nhân V.N.A.T (đột ngột khó thở, mạch nhanh, huyết áp hạ) mà Sở Y tế TP thông tin.
Bệnh nhân tử vong sau khi nâng ngực tại BVTM Emcas thì hiển nhiên trách nhiệm của Emcas trong vụ việc này là không thể chối bỏ. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thật sự tử vong vì nguyên nhân sốc phản vệ thì vai trò, trách nhiệm của BVTM Emcas sẽ lớn hơn rất nhiều. Vì thông thường trong một cuộc phẫu thuật nâng ngực gây mê là do ekip của bệnh viện thực hiện.
Được biết, BVTM Emcas là đơn vị hoạt động có giấy phép do Sở Y tế TP cấp. Tuy nhiên, trường hợp đau lòng trên không phải là lần đầu xảy ra ở cơ sở này. Cách đây 2 năm, vào ngày 17/9/2017, chị T.T.Đ (35 tuổi) đến phẫu thuật gọt cằm tại Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS. Sau phẫu thuật, chị Đ bị chảy máu ồ ạt ở vùng cổ họng và rơi vào tình trạng suy hô hấp. Chị Đ sau đó được chuyển tới bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu. Tuy nhiên, sau nhiều tháng điều trị, chị Đ đã không qua khỏi và tử vong.
Những thông tin liên quan đến BVTM Emcas đang khiến dư luận vô cùng hoang mang, không biết tin vào đâu. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của bệnh nhân V.N.A.T, vai trò trách nhiệm của BVTM Emcas và các cá nhân liên quan trong vụ việc này.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.