Tuy nhiên, căn cứ theo các mốc thời gian từ ngày 11/10 đến thời điểm bệnh nhân tử vong ngày 14/10, thông cáo báo chí của BVTM Kangnam, cũng như những thông tin từ phía Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đưa ra, không loại trừ khả năng bệnh nhân đã bị ngưng tim tại BVTM Kangnam trước khi được chuyển đi Bệnh viện Nhân dân 115 và tiếp đến là Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thông cáo báo chí của BTVM Kangnam. |
Vậy liệu rằng BVTM Kangnam đã làm hết vai trò và trách nhiệm trong vụ việc thương tâm này?
BVTM Kangnam nói gì?
Theo đó, thông cáo báo chí của BVTM Kangnam (ngày 16/10) nêu rõ, vào lúc 8h06 sáng 11/10, bệnh nhân tên Chanh Thi Le (cân nặng 59kg, sinh ngày 6/10/1960) đến BVTM Kangnam tư vấn làm đẹp do bị lão hóa da mặt và mong muốn được phẫu thuật căng da mặt.
Qua thăm khám lâm sàng không phát hiện bệnh lý, các xét nghiệm cận lâm sàng giới hạn bình thường, khai thác tiền sử bản thân khỏe mạnh, không có bệnh lý bất thường. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được các bác sĩ khám, tư vấn và giải thích hiểu rõ quy trình thực hiện phẫu thuật và những rủi ro có thể xảy ra trong khi phẫu thuật. Bệnh nhân đã đồng ý và ký cam kết trước khi phẫu thuật.
30 phút vàng để cấp cứu khi sốc phản vệ Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, một Bác sĩ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và được coi là một cấp cứu y tế. Phản ứng đe dọa tính mạng này có thể xảy ra bất cứ khi nào trong vài giây đến vài phút sau khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Tiếp xúc gây nên phản ứng từ hệ thống miễn dịch của bạn có thể dẫn đến sốc và thậm chí tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức. Cũng theo Bác sĩ này, sốc phản vệ có thể mang rất nhiều triệu chứng. Rất nhiều trường hợp xảy ra với tất cả các triệu chứng dị ứng mặc dù phản ứng phản vệ ở mỗi người khác nhau. Đó là bởi vì một số triệu chứng có thể xuất hiện cùng một lúc. Các triệu chứng thông thường có thể bao gồm: Da ngứa hoặc phát ban, chảy nước mũi, hắt hơi, miệng ngứa, họng, khó nuốt hoặc môi và lưỡi sưng, chân tay sưng, ho, chuột rút hoặc tiêu chảy, nôn mửa nhiều… Một số triệu chứng của sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay bao gồm: Khó thở hoặc thở khó chịu, đau ngực hoặc tức, huyết áp thấp, mạch yếu và nhanh, chóng mặt, lẫn lộn. “Sốc phản vệ xuất hiện nhanh, ngay lập tức, một số trường hợp xuất hiện sau 30 phút dùng thuốc, thử test... Nếu triệu chứng sốc phản vệ xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao. Các triệu chứng của sốc phản vệ có thể xấu đi rất nhanh chóng. Lúc đó, người bệnh cần được điều trị trong vòng 30 đến 60 phút vì các triệu chứng đôi khi có thể gây tử vong. Và 30 phút sau khi phát hiện bệnh nhân bị sốc phản vệ được xem là 30 phút vàng để cấp cứu”, bác sĩ này nhấn mạnh. |
Đến chiều cùng ngày, bệnh viện tiến hành phẫu thuật căng da mặt cho khách hàng. Phương pháp phẫu thuật là phẫu thuật căng da mặt bán phần. Bệnh nhân được hội chẩn và quyết định phẫu thuật lúc 13h30 ngày 11/10/2019 và kết thúc lúc 17h20 cùng ngày.
Quá trình phẫu thuật diễn ra bình thường. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, tự thở, hỏi trả lời đúng và được chăm sóc hậu phẫu theo đúng quy trình. Đến 19h, bệnh nhân tiếp xúc tốt, thở đều, mạch đều rõ. Nhưng đến 21h, bệnh nhân đột ngột khó thở. Bác sĩ BVTM Kangnam đã chẩn đoán là: Theo dõi sốc phản vệ và xử trí điều trị theo phác đồ chống sốc phản vệ. Đến 21h20, bệnh nhân ổn định đủ điều kiện để chuyển viện. BVTM Kangnam gọi Trung tâm cấp cứu 115 hỗ trợ chuyên môn hội chẩn thống nhất chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 lúc 21h35.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân được các y bác sĩ tiếp tục hồi sức và hội chẩn chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực nhưng do tình trạng nặng nên đã không qua khỏi lúc 20h45 ngày 14/10.
Từ thông cáo báo chí của BVTM Kangnam có thể thấy rằng, Bác sĩ của BVTM Kangnam sau khi chuẩn đoán bệnh nhận bị sốc phản vệ là vào lúc 21h ngày 11/10, và đến 21h20 cùng ngày khi bệnh nhân ổn định đủ điều kiện để chuyển viện thì BVTM Kangnam đã gọi Trung tâm cấp cứu 115 hỗ trợ chuyên môn hội chẩn thống nhất chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Nhân dân 115 lúc 21h35.
Khoảng thời gian mà BVTM Kangnam chuẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ và chuyển bệnh đến bệnh viện Nhân dân 115 là 35 phút. Tuy nhiên, bệnh nhân có thực “ổn định đủ điều kiện để chuyển viện” như phía BVTM Kangnam thông tin hay không? Hay thực chất chỉ đến khi bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, không thể xử lý được nữa thì BVTM Kangnam mới chuyển bệnh nhận đến các tuyến cao hơn đang là dấu hỏi cần giải đáp từ các cơ quan chức năng?
Bệnh nhân ngưng tim ở đâu? Kangnam có lừa dối Sở Y tế?
Sau khi xảy ra sự việc nói trên, vào lúc 6h55 ngày 15/10, Sở Y tế TP đã có “Thông tin Sự cố y khoa sau phẫu thuật thẩm mỹ tại BVTM Kangnam”.
Nữ Việt Kiều Mỹ được xác định tử vong sau khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ căng da mặt tại BVTM Kangnam (84A, Bà Huyện Thanh Quan, quận 3). |
Mâu thuẫn khi BVTM Kangnam cho rằng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Nhân dân 115 lúc 21h35. Thế nhưng Sở Y tế lại thông tin, lúc 22h32 ngày 11/10/2019, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu ngưng tuần hoàn – hô hấp. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 0h ngày 12/10/2019, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng mê sâu và được chạy thận Ecmo cấp cứu. Đến 20g15 ngày 14/10/2019, bệnh nhân tử vong.
Ngoài việc thời gian bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận bệnh nhân không thống nhất. Thì tình trạng bệnh nhân bệnh nhân lúc chuyển từ BVTM Kangnam sang bệnh viện Nhân dân 115 cũng là một dấu hỏi lớn. Trong khi BVTM Kangnam cho biết khi bệnh nhân ổn định đủ điều kiện để chuyển viện mới chuyển đi, thì Sở Y tế là cho rằng bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu ngưng tuần hoàn – hô hấp(?).
Theo tìm hiểu của PV, tình trạng hôn mê sâu ngưng tuần hoàn – hô hấp mà Sở Y tế TP đang đề cập cũng có thể hiểu là tình trạng ngưng tim, ngưng thở.
Theo đó, tình trạng ngưng tim, ngưng thở có thể xảy ra đột ngột trên một quả tim hoàn toàn khoẻ mạnh như trong các tai nạn do điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương...Trường hợp nạn nhân bị ngưng tim, ngưng thở (hay còn gọi là ngừng tuần hoàn), trong điều kiện nhanh nhất có thể cần cung cấp được máu cùng với oxy đến cho tế bào não, nhất là trong vòng 5 phút đầu kể từ lúc ngừng tim. Chính vì vậy, việc cấp cứu ngừng tim, ngừng thở cần tiến hành tại chỗ, khẩn trương kiên trì và đúng kỹ thuật.
Trên trang wed http://bachmai.gov.vn (Bệnh viện Bạch Mai), TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn, khi gặp nạn nhân bị tai nạn như điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương... người tiếp xúc với nạn nhân cần nhận diện người bệnh có bị ngừng tuần hoàn không.
Sở Y tế TP thông tin về việc bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu ngưng tuần hoàn – hô hấp. |
Nếu phát hiện thấy người bệnh bất tỉnh, không thở… cần gọi cấp cứu 115 hỗ trợ. Tuy nhiên, trong lúc chờ nhân viên y tế, người tiếp cận nạn nhân cần tiến hành ép tim theo đúng kỹ thuật để giúp nạn nhân hồi phục nhanh hơn, tránh nguy cơ tử vong.
Vậy rõ ràng, theo thông tin từ Sở Y tế cung cấp có thể khẳng định, bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận bệnh nhân từ BVTM Kangnam trong tình trạng ngưng tuần hoàn, ngưng hô hấp (ngưng tim ngoại viện). Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân rời BVTM Kangnam trong tình trạng bệnh cảnh vô cùng phức tạp "ngàn cân treo sợi tóc", hoàn toàn trái ngược với thông báo “Đến 21h20, bệnh nhân ổn định đủ điều kiện để chuyển viện” mà BVTM Kangnam đưa ra trong thông cáo báo chí của mình.
Chưa kể, trong khoảng thời gian hơn 90 phút (từ 22h32 ngày 11/10 đến 0h ngày 12/10), bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện 115 đến bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng rất nặng. Điều này cũng giải thích lí do vì sao, bệnh viện Chợ Rẫy phải dùng phương pháp chạy thận Ecmo để cấp cứu cho bệnh nhân.
Vậy có hay không việc BVTM Kangnam vì tránh phát tán thông tin xấu ảnh hưởng đến thương hiệu mà đã “liều mình” xử lý vụ việc ngay tại cơ sở, chỉ đến khi bệnh nhân nguy kịch mới chịu chuyển bệnh nhân đến các tuyến bệnh viện cao hơn? Có hay không việc vì xử lý ban đầu của Bác sĩ Kangnam không đúng kỹ thuật khiến bệnh nhân mất cơ hội sống còn?...Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ vai trò trách nhiệm của BVTM Kangnam trong vụ việc này, để tránh xảy ra những câu chuyện đau lòng tương tự.
ECMO là gì? Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO) là một thiết bị hỗ trợ sự sống. Những người cần sử dụng ECMO là những bệnh nhân đang bị những bệnh lý nặng, đe dọa tính mạng làm ngừng hô hấp và tuần hoàn của họ. Chẳng hạn, ECMO được sử dụng trong suốt thời gian điều trị những trường hợp đe dọa tính mạng như tổn thương phổi nặng do nhiễm trùng, hoặc sốc tim sau nhồi máu cơ tim cấp. |
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.