Thứ 6, 19/04/2024, 00:50 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Những ai nên đi khám sau vụ cháy kho bóng đèn Rạng Đông?

Những ai nên đi khám sau vụ cháy kho bóng đèn Rạng Đông?
(Tieudung.vn) - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc của BV. Bạch Mai thông tin về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy kho của công ty Rạng Đông.

Theo bác sĩ Nguyên, từ sau vụ cháy nhà kho Rạng Đông, Trung tâm chống độc đã ghi nhận 10 phóng viên và 2 người dân đến khám với các triệu chứng ban đầu là chóng mặt, đau đầu, chóng mặt, nghi nhiễm độc thủy ngân.

“Hiện nay vẫn chưa có kết quả xét nghiệm nên vẫn chưa thể kết luận chính xác những trường hợp này có nhiễm độc thủy ngân hay không. Chúng tôi sẽ cố gắng để muộn nhất là trong đêm nay sẽ có kết luận.”, ông Nguyên cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai trả lời báo chí về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân.

"Trong vụ cháy này có các nguy cơ phổ biến như, ngộ độc khói hay ngộ độc thuỷ ngân. Khói có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, gây kích ứng đường hô hấp. Khí CO gây ngộ độc máu. Thậm chí hơi nóng cũng rất nguy hiểm, có thể gây bỏng đường hô hấp. Chúng ta tính đến xem xét ô nhiễm thuỷ ngân. Tuy nhiên cho tới nay, đây là những yếu tố suy luận, đánh giá, theo dõi và chưa có thông tin chính thức từ đơn vị chuyên môn" - bác sĩ Nguyên thông tin. 

bác sĩ
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc - Bạch Mai.

Theo bác sĩ Nguyên, thuỷ ngân được sử dụng trong sản xuất bóng đèn. Bình thường nếu vỡ ra, nguy cơ ngộ độc thuỷ ngân rất thấp. Nhưng, trong trường hợp nóng ở nhiệt độ cao, thuỷ ngân sẽ bốc hơi, đi vào trong không khí dưới nhiều dạng khác nhau và ảnh hưởng người hít phải.

Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc thuỷ ngân phụ thuộc rất nhiều yếu tố, như nồng độ thuỷ ngân trong không khí và thời gian tiếp xúc. 

"Nếu khu vực đấy cháy nhiều, khói nhiều, trực tiếp có nguồn hoá chất dù không gian khép kín, thì thuỷ ngân sẽ dễ tích tụ. Nếu ai đó ở trong môi trường đó càng dài, càng lâu thì càng tiếp xúc nhiều hơn. Ngoài ra còn có những yếu tố khác gây ngộ độc thuỷ ngân, như tình trạng hoạt động của nạn nhân, tuổi của nạn nhân".

Từ những phân tích trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, liên quan đến vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, những người có nguy cơ cao, cần đi kiểm tra sức khỏe là: những người trực tiếp tham gia trong thời điểm xảy ra đám cháy như  công nhân nhà máy, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhà báo tiếp xúc với đám cháy… Thứ hai là những người sống gần khu vực xảy ra cháy có biểu hiện như đau ngực, nôn, tiêu chảy, hoặc các triệu chứng đáng kể khác.

Những người ở khoảng cách xa vụ cháy, thì nguy cơ thấp hơn. Vì thế, không nhất thiết phải đổ xô đi khám, xét nghiệm gây quá tải bệnh viện và tốn kém cho chính người dân.

Tags:
4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.26964 sec| 787.227 kb