Tình hình sốt xuất huyết trên cả nước đang diễn biến hết sức căng thẳng với gần 60.000 ca mắc, 17 trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, trung bình mỗi năm chỉ 5.000 - 6.000 ca và đỉnh dịch vào tháng 9-10, nhưng năm nay ngay từ tháng 5 đã bắt đầu bùng phát mạnh. Đến nay đã ghi nhận gần 8.000 ca, 4 người tử vong. Trong 2 tuần nay, số bệnh nhân tiếp tục tăng nhanh, mỗi tuần hơn 1.000 – 1.600 ca mắc.
Tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ, lượng bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết đã tăng gấp 10 lần so với năm ngoái với diễn biến phức tạp hơn, nhiều ca nặng.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Ảnh: T.Hạnh |
Theo Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với sốt virus. Do đó người dân khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết thì phải đến BV để khám, làm test nhanh.
Ông Phu khuyến cáo, khi chưa test loại trừ sốt xuất huyết và có những dấu hiệu đau cơ, đau đầu... người dân tuyệt đối không tự ý mua thuốc aspirin và ibuprofen về dùng.
Trong phác đồ điều trị sốt xuất huyết, người dân chỉ nên dùng paracetamol để hạ sốt. Tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h (trẻ em dùng liều 10-15mg/kg), cứ 4 - 6 tiếng uống một lần khi sốt từ 38,5 độ trở lên.
Tuy nhiên nhiều bệnh nhân và phụ huynh sốt ruột khi paracetamol hạ sốt không sâu, tái sốt nhanh nên đã cuống cuồng tìm loại thuốc khác thay thế.
Thực tế, lượng tiểu cầu trên những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sẽ giảm nhanh, trong khi aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu khiến bệnh nhân tăng nguy cơ chảy máu. Aspirin còn có tác dụng phụ gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.
Với bệnh nhân sốt xuất huyết, thường sốt cao liên tục từ 2 -7 ngày. Theo các bác sĩ, ở người bệnh sốt xuất huyết, 3 ngày đầu không nguy hiểm tính mạng dù có sốt cao trừ những trường hợp mắc bệnh mãn tính kèm theo hay phụ nữ có thai, trẻ em.
Với trường hợp bình thường, nếu dương tính với sốt xuất huyết chỉ cần về nhà yên tâm điều trị theo đơin bác sĩ và từ ngày thứ 4 tái khám theo chỉ định.
Những trường hợp có nền bệnh và có dấu hiệu cảnh báo cần được nằm viễn theo dõi. Trong đó giai đoạn nguy hiểm nhất từ ngày thứ 3 trở đi. Nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm như: trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng, xuất huyết não... nguy cơ tử vong rất cao.