Bệnh nhân nam, 55 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, huyết áp tụt, lơ mơ, sốt 39 độ C, thở nhanh, xuất hiện hoại tử.
Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có hình ảnh phù nề và tụ khí vùng bẹn bìu 2 bên, áp-xe tầng sinh môn lan xuống vùng hậu môn do mắc hội chứng Fournier.
Trước đó, bệnh nhân này đã đến bệnh viện Xanh Pôn khám và được chẩn đoán trĩ độ 2, chỉ cần điều trị nội khoa, uống thuốc mà không cần mổ nhưng bệnh nhân lại không theo chỉ định của bác sĩ. Nghe người quen mách bảo, bệnh nhân đã đi thắt búi trĩ tại một nhà thuốc đông y ở Ninh Bình.
Sau 3 ngày, từ vùng hậu môn của bệnh nhân sưng nề, nhiễm trùng lan rộng khiến bộ phận sinh dục bị tím đen, hoại tử, thậm chí đã lan lên vùng bụng.
Do hoại tử nhiễm trùng quá nặng, sau mổ 2 tuần, vết mổ của bệnh nhân vẫn chưa thể khâu đóng lại, còn rất nhiều dịch phải lấy ra. Ít nhất vài tháng nữa, bệnh nhân mới có thể trở lại sinh hoạt bình thường.
Bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch sau hơn nửa tháng phẫu thuật.
Từ trường hợp của bệnh nhân này, chuyên gia khuyến cáo người dân nên đến những cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị bệnh trĩ. Các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị tùy từng mức độ. Tuyệt đối không đến các cơ sở không uy tín, để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Cũng qua đây, các bác sĩ chỉ ra những triệu chứng điển hình của hội chứng fournier để người dân có thể nhận diện và đến bệnh viện để có biện pháp xử lý kịp thời:
- Bệnh thường khởi đầu rất dữ dội. Bắt đầu từ biểu hiện đau vùng bìu kèm theo hiện tượng phù nề gây căng phồng tại chỗ. Rất nhanh bìu trở nên rắn, đau, sưng đỏ và tiết dịch. Các vết lằn màu nhạt trên da bắt đầu xuất hiện.
- Biểu hiện những dấu hiệu nhiễm độc toàn thân và suy kiệt.
- Sốt cao, rét run (đôi khi nhiệt độ hạ quá thấp).
- Mạch nhanh, huyết áp hạ, nhịp thở nhanh.
- Hội chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn hoặc nôn.
- Sờ sẽ thấy tiếng lạo xạo của hơi ở dưới da từ vùng bìu lan lên bụng.