Thực hư việc thịt gà gây ho
Theo chuyên gia dinh dưỡng ThS.BS. Lê Thị Hải, đối với thịt gà về khía cạnh dinh dưỡng, thịt gà là loại thịt tốt nhất trong tất cả các loại thịt, bởi vì giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng protein, đạm cao nhất. Ngoài ra, thịt gà cũng có rất nhiều vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là kẽm, sắt. Thịt gà nhiều chất dinh dưỡng như vậy, dễ tiêu hóa trong khi lại không có chất gì gây ho cả. Ngược lại, ăn thịt gà càng nhiều càng tốt nhất là khi bị ốm. Do đó việc kiêng thịt gà là hoàn toàn sai lầm.
Điều lưu ý về thực phẩm khi ho chính là cách chế biến. Đối với người bệnh kể cả ho cảm thì việc chế biến cần được các bà nội trợ chú ý. Cần chế biến các thực phẩm ở dạng mềm, lỏng, dễ nuốt. Bởi khi các bị ho, lại ăn các thực phẩm cứng sẽ khó nuốt, đối với trẻ nhỏ thì dẫn tới nôn trớ. Đối với thịt gà gỡ xương có thể nấu cháo, súp,… giúp dễ ăn và tăng cường dưỡng chất sẽ mau khỏi bệnh.
Bài thuốc dân gian chữa ho tại nhà
Lá hẹ
Hẹ là một vị thuốc lưu truyền trong dân gian. Theo tài liệu cổ, hẹ có tác dụng bổ can thận, làm ấm lưng gối; dùng làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, đái són, di mộng tinh, đặc biệt dùng lá hẹ để trị ho rất hiệu quả.
Nguyên liệu: 5 - 10 lá hẹ; lượng đường phèn vừa đủ.
Cách làm: Cho lá hẹ và đường phèn vào bát, hấp cách thủy, sau đó chắt lấy nước uống. Mỗi lần uống khoảng 2 - 3 thìa cà phê, uống 2 lần/ngày.
Lá húng chanh
Húng chanh còn gọi là rau tần dày lá, rau thơm lông, có vị cay, tính ấm. Trong lá húng chanh có chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng trừ đờm, tiêu độc rất tốt nên có thể được dùng làm thuốc chữa ho, trị viêm họng.
Nguyên liệu: 15 - 16 lá húng chanh; 4 -5 quả quất xanh; đường phèn.
Cách làm:
Cách thứ nhất: Giã dập lá húng, sau đó trộn với 10ml nước sôi, để cho ngấm rồi gạn lấy nước uống, ngày uống 2 lần.
Cách thứ hai: Rửa sạch lá húng chanh và quất xanh, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi thêm lượng đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy khoảng 20 phút. Uống liên tục 1 - 2 lần/ngày đến khi hết ho.