Quảng cáo “chui” nhiều năm liền?
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, trên website www.wondera.com, mỹ phẩm Wondera Natural tự quảng cáo là thương hiệu dành được những giải thưởng uy tín, nhiều bác sĩ và hàng triệu người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Cụ thể, website này công khai đăng tải nhiều video clip sử dụng hình ảnh Bác sĩ (có tên, nơi công tác cụ thể) để quảng cáo, giới thiệu, đánh giá về thương hiệu mỹ phẩm Wondera.
Chưa xin phép Sở Y tế, mỹ phẩm Wondera vẫn được quảng cáo trên website www.wondera.com một cách công khai. |
Tuy nhiên, mới đây thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lại khẳng định, kể từ năm 2013 đến nay, Sở Y tế không nhận được hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm của Công ty TNHH SX TM DV Thời trang Ngọc Nhi, địa chỉ L36/38 Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp cũng như Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dược Mỹ phẩm Wondera.
Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều năm liền tất cả những thông tin quảng cáo về mỹ phẩm Wondera trên thị trường đều là quảng cáo “chui”, hoàn toàn chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.
Đáng nói hơn, mặc dù chưa được Sở Y tế cấp giấy phép quảng cáo nhưng công ty sản xuất, phân phối thương hiệu mỹ phẩm Wondera vẫn “hồn nhiên” tung hô sản phẩm này như như một loại thuốc điều trị bệnh về da, từ đó thu lợi bất chính từ người tiêu dùng.
Công khai vi phạm luật quảng cáo mỹ phẩm
Theo ghi nhận của PV Báo Kinh tế & Đô thị, không chỉ quảng cáo không phép, với cách thức quảng cáo dễ gây hiểu lầm cho người người tiêu dùng về công dụng, tính năng của sản phẩm, thương hiệu mỹ phẩm Wondera có nhiều dấu hiệu vi phạm luật quảng cáo mỹ phẩm.
Cụ thể, trong 1 video clip được đăng tải công khai trên website www.wondera.com, Bác sĩ Đ.K.P, cựu Trưởng khoa Da Liễu Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội Bình Phước cho biết: “…khi dùng sản phẩm Wondera thì các bác sĩ rất là lưu ý trong cái quá trình căn dặn “bệnh nhân” và động viên “bệnh nhân” để có 1 cái quá trình điều trị đến nơi đến chốn…”.
Hay như, 1 video khác là bác sĩ Đ.N.C, chuyên gia Da liễu giới thiệu, đánh giá về thương hiệu mĩ phẩm Wondera như sau: “… Đối với sản phẩm này thì chúng ta ngoài cái chuyện mà điều trị mụn, điều trị nám, điều trị thâm đó, thì còn cái sẹo rỗ do thủy đậu, do bị mụn lâu ngày chúng ta dùng cái sản phẩm mặt nạ chúng ta đắp mỗi ngày 1 lần. Sau thời gian điều trị, chúng tôi điều trị hơn 10 năm, chúng tôi theo dõi hàng nghìn “bệnh nhân” thì tất cả bệnh nhận hầu như theo cái hướng dẫn của chúng tôi đều đạt được hiệu quả trong thời gian hai, ba tháng và cái hiệu quả này nó duy trì rất là lâu dài, hàng hàng chục năm...”.
Bác sĩ H.N, Giám đốc Phòng khám HN "bỏ quên" luật quảng cáo mỹ phẩm, không ngần ngại "tâng bốc" Wondera như một loại thuốc điều trị bệnh về da. |
Đặc biệt, trong 1 video thể hiện cuộc nói chuyện giữa Bác sĩ H.N, Giám đốc Phòng khám đa khoa Nhân Hậu và Á khôi D.H, bác sĩ H.N tư vấn: “… Chia sẽ thêm với chúng ta là sản phẩm Wondera trị nám này là chiết xuất 100% thảo dược từ thiên nhiên, cho nên khi chúng ta sử dụng thì rất phù hợp và rất tốt cho cơ thể, cũng làm da của chúng ta, đặc biệt đây là sản phẩm trị nám, trị mụn, trị sẹo da thì trước khi dùng chúng ta nên lắc đều…”. Cuối cùng, vị bác sĩ này còn đưa ra lời khuyên: “… tin rằng sản phẩm này rất tốt trên thị trường và mọi người nên chọn lựa để tiêu dùng”.
Thế nhưng, theo quy định tại thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế thì: “Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt”.
Phụ lục số 03-MP của thông tư 06/2011/TT-BYT cũng nêu rõ: “Sản phẩm mỹ phẩm không được thể hiện như một sản phẩm để chữa bệnh hoặc phòng bệnh cho người”.
Bên cạnh đó, Cục Quản Lí dược, Bộ Y tế đã có hướng dẫn rằng: “Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm (Ví dụ: trị gàu, trị nám, trị mụn, trị viêm lợi, …)”.
Như vậy, có thể hiểu các văn bản pháp luật đã quy định “rạch ròi” về tính năng công dụng của mỹ phẩm so với các sản phẩm khác. Điều này, có thể giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn giữa mỹ phẩm với các loại sản phẩm chữa bệnh, phòng bệnh.
Vậy với việc liên tục nhắc đi, nhắc lại những từ, cụm từ như: “trị”, “bệnh nhân”, “điều trị”… khi giới thiệu, đánh giá về thương hiệu mỹ phẩm Wondera, các Bác sĩ đang “tâng bốc” quá đà, biến Wondera từ một loại mỹ phẩm thông thường thành một loại “thần dược”, một sản phẩm “cứu tinh” cho làn da. Người tiêu dùng nếu không tỉnh táo sẽ lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” khi cho rằng Wondera là 1 loại sản phẩm có thể điều trị được các bệnh về da.
Liên quan đến những dấu hiệu vi phạm của công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dược Mỹ phẩm Wondera, Sở Y tế TP đã chỉ đạo Thanh tra Sở đưa vào kế hoạch kiểm tra đột xuất, định kỳ đối với cơ sở nêu trên và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Điều 6 của Thông tư Số 09/2015/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ y tế, Nội dung quảng cáo phải theo đúng quy định tại Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, cụ thể: Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác và Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm mỹ phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc quảng cáo có hính ảnh các bác sĩ và công dụng “trị”, “điều trị” là không phù hợp với quy định về quảng cáo mỹ phẩm.
|
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.