Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc gửi đến Báo Kinh tế & Đô thị VPĐD TP Hồ Chí Minh, sản phẩm nhãn hiệu Wondera có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật khi đăng tải hàng loạt video clip có tên, hình ảnh bác sĩ nhằm phục vụ mục đích quảng cáo mỹ phẩm.
Wondera được biết đến là một thương hiệu mỹ phẩm với rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, trong đó nổi bật một số dòng đặc trưng như: Kem nám thảo dược, kem mụn thảo dược, Kem đắp mặt nạ thảo dược…
Hình ảnh sản phẩm Wondera trên website www.wondera.com. |
Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, hiện trên Website www.wondera.com có rất nhiều video clip quay những người được cho là bác sĩ tư vấn chăm sóc da cùng với giới thiệu sản phẩm có tên là Wondera.
Cụ thể, một người được giới thiệu là Bác sĩ Đ.N.C đánh giá về thương hiệu mỹ phẩm Wondera với rất nhiều từ ngữ hoa mỹ: “…Chúng tôi điều trị hơn 10 năm, chúng tôi theo dõi hàng nghìn bệnh nhân thì tất cả bệnh nhận hầu như theo cái hướng dẫn của chúng tôi đều đạt được hiệu quả trong thời gian hai, ba tháng và cái hiệu quả này nó duy trì rất là lâu dài, hàng hàng chục năm...”.
Thậm chí, vị bác sĩ này còn tự tin khẳng định: “Có những bệnh nhân nói là bây giờ tôi tắm, rửa, gội đầu bằng cái sản phẩm này tôi không dùng cái gì khác…”.
Bác sĩ Đ.N.C đánh giá về thương hiệu mĩ phẩm Wondera. |
Chưa hết, một video clip khác của Bác sĩ Đ.K.P, được giới thiệu trên video là cựu Trưởng khoa Da Liễu Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội Bình Phước cho biết: “…Trong 16 năm qua thì tôi đã tin dùng sản phẩm Wondera này rồi. Như các bạn biết là hiện nay trên thị trường thì chúng ta lạc vào các ma trận của các sản phẩm. Nhưng mà để chọn cho một sản phẩm để mà có lợi cho bệnh nhân, cũng như là đơn giản, dễ dùng thì chúng ta thấy điều này phải đặt ra cho người bác sĩ là phải cân nhắc, phải lựa chọn như thế nào để cho bệnh nhân xài, bệnh nhân sử dụng để vừa có tính chất làm đẹp, vừa có tính chất điều trị,…”
Sau 1 hồi liên miên quảng cáo sản phẩm, vị bác sĩ này khẳng định: “…Riêng sản phẩm Wondera thì hiện nay đã đạt được các tiêu chí mà bác sĩ cần lựa chọn…”.
Là người tiêu dùng sau khi xem những video clip này, chắc hẳn sẽ phải thốt lên “không tin bác sĩ thì tin ai?”. Rõ ràng, với cách sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo, sản phẩm Wondera sẽ tạo dựng được niềm tin tuyệt đối nơi khách hàng.
Bác sĩ Đ.K.P trả lời phỏng vấn về mĩ phẩm Wondera trong chương trình rạng danh thương hiệu Việt. |
Đăng kèm các clip bác sĩ quảng cáo, trên website www.wondera.com còn đăng tải dòng quảng cáo chắc nịch: “Những kinh nghiệm quý giá từ những bác sỹ đã và đang sử dụng sản phẩm của Wondera hàng ngày để điều trị cho bệnh nhân, với những minh chứng là số liệu, trải nghiệm qua thực tế của mỹ phẩm thảo dược Wondera”.
Thế nhưng, khi PV đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật thì mới “vỡ lẽ” ra nhiều điều.
Cụ thể, theo quy định thì mỹ phẩm được xếp vào nhóm các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lí của Bộ Y tế. Việc quảng cáo mỹ phẩm chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
Và để được xác nhận nội dung quảng cáo thì doanh nghiệp: “Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế khác”.
Thực tế, một chiến dịch quảng cáo muốn chinh phục người tiêu dùng thì phải tốn từ vài trăm triệu đến bạc tỷ! Trong khi đó, chỉ cần vài câu nói của bác sĩ cũng đã đủ sức thuyết phục người tiêu dùng móc hầu bao.
Bác sĩ H.N, Giám đốc Phòng khám HN trao đổi cùng Á khôi DV về sản phẩm Wondera. |
Như vậy, vấn đề đặt ra lúc này là website www.wondera.com đã được cơ quan chức năng xác nhận nội dung quảng cáo chưa? Việc đăng tải các video clip này có đúng quy định của pháp luật?
Thực tế cho thấy, những người bị mắc bệnh về da lâu năm thường rất mặc cảm với bản thân mình, khi muốn tìm ra phương pháp chữa trị thường tìm đến bác sĩ. Lời tư vấn của bác sĩ như là 1 vị cứu tinh cho người bệnh, và khi bác sĩ “phán” nên dùng sản phẩm gì thì đa phần người bệnh sẽ không một chút hoài nghi, mua ngay sản phẩm ấy mà không thắc mắc, đắn đo gì thêm.
Có thể do nắm bắt được tâm lí đó, đã không ít doanh nghiệp “lợi dụng” danh nghĩa của bác sĩ để tăng độ uy tín cho sản phẩm mình kinh doanh, khiến người tiêu dùng ảo tưởng vào tính năng, công dụng trong khi hiệu quả đến đâu thì vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Vậy, rốt cuộc, những người được cho là bác sĩ này có đúng là bác sĩ hay không? và đã tư vấn đúng tính năng công dụng của mỹ phẩm Wondera hay không? Hay chỉ “chém gió” nhằm tiếp tay cho doanh nghiệp đánh lừa người tiêu dùng?
Và hơn hết, có phải đơn vị kinh doanh mỹ phẩm Wondera Natural đang lợi dụng sự uy tín của các bác sĩ để thu hút khách hàng nhằm trục lợi?
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.