Dị ứng thức ăn là dị ứng với thực phẩm đưa vào đường tiêu hóa nhưng các biểu hiện chủ yếu lại ở da và những yếu tố gây nặng bệnh lại nằm ở đường hô hấp.
Biểu hiện của dị ứng thức ăn khá nhanh. Chỉ từ vài phút đến khoảng 2 giờ sau khi cho trẻ ăn thực phẩm có chứa các dị nguyên gây dị ứng. Chúng là những biểu hiện nổi ở bề mặt cơ thể, dễ thấy, dễ quan sát. Ở mức độ nhẹ, trẻ có biểu hiện sưng môi, ngứa miệng lưỡi, ngứa hầu họng. Ở mức độ vừa, trẻ sẽ bị ngứa khắp mình mẩy, nổi nốt đỏ kích thước lấm tấm hoặc có thể nổi thành những ban đỏ kích thước lớn, mắt có thể sưng đỏ, chảy nhiều nước mắt. Ở mức độ nặng, trẻ có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó thở và sốc dị ứng. Khi rơi vào trường hợp nặng cần xử trí nhanh chóng, nếu không có thể dẫn tới tử vong.
Trẻ dưới 3 tuổi là lứa tuổi bị dị ứng thức ăn cao nhất, bạn tuyệt đối tránh những thức ăn mà trẻ bị dị ứng. |
Nguyên tắc giảm dị ứng cho trẻ đầu tiên là việc dung nạp đường miệng: Chậm tiếp xúc với dị nguyên trong vài tháng đầu đời. Giai đoạn này, hầu hết dị nguyên từ công thức dinh dưỡng sữa bò. Trẻ bú sữa công thức dinh dưỡng sẽ nhận nhiều kháng nguyên lạ gấp 106 lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn. Bà mẹ cho con bú cũng nên hạn chế những thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ nhằm làm an toàn hóa sữa mẹ. Trẻ dưới 3 tuổi là lứa tuổi bị dị ứng thức ăn cao nhất, bạn tuyệt đối tránh những thức ăn mà trẻ bị dị ứng.
Theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ ít nhất 4 tháng đầu sau sinh sẽ giảm nguy cơ bị dị ứng thức ăn so với các trẻ chỉ nuôi bằng sữa công thức; có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện của bệnh viêm da thể tạng, tình trạng dị ứng sữa bò và thở khò khè. Vì tình trạng dị ứng thức ăn ở trẻ liên quan nhiều đến di truyền nên khi mang thai, thai phụ không nên ăn nhiều lạc và đậu nành nhằm hạn chế khả năng dị ứng cho trẻ trong độ tuổi bú mẹ.
Do rất khó xác định lượng thức ăn tối thiểu đủ gây ra một phản ứng dị ứng, nên người có tiền sử dị ứng thức ăn cần thận trọng khi ăn uống, nhất là khi đi ra ngoài, ăn thức ăn ở hàng quán. Vì phải tránh ăn những loại thức ăn gây dị ứng nên bệnh nhân có thể bị thiếu dinh dưỡng. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường đề xuất các nguồn thực phẩm khác thay thế các vitamin và khoáng chất thiết yếu ít gây dị ứng.
Dị ứng thức ăn hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị dị ứng thức ăn bao gồm: phương pháp giải mẫn cảm; bệnh nhân bị dị ứng phải tránh tiếp xúc với loại thức ăn đã gây dị ứng cho mình vì nếu tiếp xúc với loại thức ăn gây dị ứng, có thể bị sốc phản vệ rất nguy hiểm.