Tại sao em bé sơ sinh thường xuyên hắt hơi?
Joel Forman, Phó giáo sư khoa nhi và y tế công cộng làm việc tại Trường Y khoa Mount Sinai, New York (Mỹ) giải thích: khi mới sinh, em bé sẽ thở bằng mũi cho đến khi chúng được 3 - 4 tháng tuổi thì bé mới biết thở bằng miệng. Do vậy, bé cần phải làm sạch mũi thường xuyên. Và hắt hơi là một hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh.
Trẻ làm sạch mũi
Trẻ sơ sinh thường thở bằng mũi và phải đến khoảng tháng thứ 3-4 bé mới biết cách thở bằng miệng. Do đó, trong giai đoạn này trẻ sơ sinh sẽ hắt xì hơi liên tục để làm thông mũi khi có gỉ mũi, dịch đờm hay bụi bám vào làm cản trở quá trình hô hấp.
Do mũi nhỏ
Lỗ mũi trẻ sơ sinh thường khá nhỏ, điều này đồng nghĩa với việc lỗ mũi của con sẽ hẹp hơn so với người lớn. Lỗ mũi hẹp sẽ khiến các hạt bụi dễ dàng bám lại, đó là lý do trẻ sơ sinh hắt xì hơi nhiều lần để tống bụi ra khỏi đường thở.
Tắc lỗ mũi tạm thời
Lỗ mũi của bé sẽ thường bị tắc khi bạn cho bé bú. Khi cho trẻ bú, một bên mũi của con sẽ áp vào cơ thể của mẹ, điều này có thể gây tắc nghẽn tạm thời trong lỗ mũi của con và khiến trẻ sơ sinh bị hắt hơi nhiều ngày sau đó.
Do phản ứng với một số dị ứng hoặc do viêm mũi dị ứng
Dị ứng cũng là nguyên nhân rất thường gặp khiến trẻ thường xuyên bị hắt xì hơi. Biểu hiện thường thấy là khi tiếp xúc/ ở gần với các tác nhân gây dị ứng (có thể là phấn hoa, lông động vật, bụi, vải, côn trùng…) thì trẻ bị hắt hơi liên tục
Do mũi khô khiến trẻ thường xuyên hắt hơi
Ở trẻ sơ sinh, niêm mạc mũi còn yếu, các sợi dây cảm giác ở dưới niêm mạc dễ bị kích thích; dịch nhầy trong mũi rất dễ bị khô, gây cảm giác ngứa mũi khó chịu. Đặc biệt, khi cho trẻ ở trong phòng máy lạnh hoặc thời tiết thay đổi, vào mùa đông thì không khí khô hơn bình thường, lúc này niêm mạc mũi trẻ cũng khô hơn, điều này sẽ làm trẻ hắt hơi thường xuyên.
Hít phải các chất kích thích hoặc độc hại trong không khí
Một số chất có mùi nặng như nước hoa, xịt phòng hoặc khói thuốc lá độc hại… cũng là nguyên nhân khiến mũi của trẻ bị kích ứng, hắt hơi.
Ngoài ra, ở một số trẻ bị nôn trớ, sữa cũng có thể xâm nhập vào lỗ mũi và gây kích ứng niêm mạc mũi; trong khi đó trẻ còn quá nhỏ không thể xì mũi/ khịt mũi để loại bỏ tạp chất nên hắt hơi chính là cách duy nhất giúp loại bỏ tạp chất và sự khó chịu ở mũi.
Trẻ bị cảm lạnh gây hắt hơi
Đối với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn yếu rất dễ bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, điển hình là dễ bị virus tấn công gây cảm lạnh. Cha mẹ cần chú ý tới các triệu chứng của các bệnh đường hô hấp trên thường gặp ở trẻ như: hắt hơi nhiều, ho, chảy nước mũi… và đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời.