Loãng xương là gì?
Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già.
Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Gãy xương do loãng xương có thể gặp ở bất cứ xương nào, tuy nhiên hay gặp ở xương cột sống, xương đùi, xương cổ tay. Một số xương bị gãy có thể không lành lại được, trong đó xương cột sống và xương đùi là những xương lành lại rất khó khăn, trong hầu hết trường hợp phải phẫu thuật với chi phí tốn kém.
Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Thường người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương.
Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành.
Biến chứng do hậu quả của loãng xương
Biến dạng cột sống: Người bệnh loãng xương có thể bị gù vẹo cột sống làm giảm khả năng hoạt động của người bệnh. Nếu bị loãng xương đốt sống ngực có thể dẫn đến biến dạng lồng ngực. Nặng hơn có thể gây khó thở.
Gãy xương: Đây là biến chứng nguy hiểm hàng đầu trong các biến chứng của loãng xương. Phần lớn tình trạng gãy xương do loãng xương xảy ra ở xương đùi, xương cổ tay, thân đốt sống… Gãy xương không chỉ khiến người bệnh đau đớn, tàn tật mà còn là gánh nặng kinh tế với người bệnh.
Lún xẹp đốt sống: Lún xẹp đốt sống thường gây đau đớn, tàn tật vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh (giảm chiều cao, tư thế gù).