Cuộc đời Thanh Tuyền chỉ thực sự sang trang mới khi được điều trị bằng liệu pháp ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Phép màu “tế bào gốc”
Vẫn còn mệt sau ca ghép tế bào gốc tự thân lần thứ ba để điều trị bệnh bại não, nhưng Thanh Tuyền vẫn cười rạng rỡ khi được mọi người trêu đùa. Nghe tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên của cô con gái độc nhất, vợ chồng anh Nguyễn Phước Bảo Tài xúc động đến trào nước mắt.
Tết vừa rồi là cái Tết vui nhất trong cuộc đời của cha mẹ Thanh Tuyền, vì đây là Tết đầu tiên Tuyền có thể tự mình đi được hàng chục bước, tự làm được những sinh hoạt cá nhân đơn giản như đánh răng rửa mặt, mặc quần áo, xúc cơm ăn, nói chuyện với mọi người...
Nụ cười rạng rỡ của Thanh Tuyền trước khi được các bác sỹ cho ra viện sau đợt điều trị ghép tế bào gốc lần 3. |
Nhìn Tuyền bây giờ, không ai tưởng tượng được gần một năm trước, em còn ngồi không vững chứ không nói đến đi lại, không thể nói hay tự mình làm được bất cứ việc gì, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào bố mẹ. “Bây giờ, khi đi làm về đã thấy con tự tắm rửa sạch sẽ, thậm chí bé còn rửa bát giúp bố mẹ, với tôi, đó thực sự là một phép màu”, chị Nguyễn Bích Thủy, mẹ của Tuyền cho biết.
Thanh Tuyền đã có thể vận động tay khéo léo khi lắp chữ, ghép mô hình. |
ThS. BS Vũ Duy Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao điều trị bại não và tự kỉ (BV ĐKQT Vinmec Times City) - người trực tiếp thăm khám và điều trị cho Thanh Tuyền đánh giá: “Thanh Tuyền là một trong những bệnh nhân đáp ứng tốt với phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bại não. Sau 2 lần ghép, Tuyền đã có thay đổi rõ ràng như có thể ngồi vững, tự đi 10 - 15 bước, tay có thể thực hiện những cử động tinh như xúc cơm ăn…Đặc biệt, nhận thức, tư duy, ngôn ngữ của Tuyền cũng tiến bộ vượt bậc. Cháu đã có thể nói được những câu ngắn, khả năng trao đổi, tương tác với người khác tốt, làm được những phép tính đơn giản, phân biệt được màu sắc…”,
Ngay khi trở về nhà sau lần ghép tế bào gốc thứ hai vào tháng 10.2016, lần đầu tiên Thanh Tuyền được đến trường (Trường chuyên biệt Hướng Dương, quận Tân Bình, TP.HCM). Hiện nay, em đang được học chương trình tương đương lớp 2. Nhờ Tuyền được đi học, cả bố và mẹ em mới có thể đi làm trở lại, thu nhập cũng được cải thiện. Từ ngày đưa con lên TP.HCM để việc chữa bệnh cho Tuyền thuận lợi hơn, anh Bảo Tài đã phải nghỉ làm, ở nhà chăm sóc, đưa con đi chữa bệnh.
Chị Nguyễn Bích Thủy chia sẻ: “Sau hơn 10 năm sinh con, tôi mới có thể ngắm con tự bước đi những bước đầu tiên. Và có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng được có ngày Tuyền lại có thể hát theo những bài hát phát trên tivi hay có thể đi học được”.
“Cứu cánh” của trẻ bại não
Trước khi được giới thiệu đến BV ĐKQT Vinmec Times City để ghép tế bào gốc, bố mẹ Thanh Tuyền đã mang con đi khắp nơi với hy vọng có một phép màu nào đó giúp cô con gái duy nhất của mình khỏi bệnh.
Từ Cần Thơ, vợ chồng anh Bảo Tài lặn lội lên TP.HCM với hai bàn tay trắng. Sống giữa đô thị lớn nhất cả nước, cả nhà trông chờ vào nguồn thu nhập duy nhất từ tiền công dọn dẹp vệ sinh hằng ngày của chị Thủy. Vậy mà được đồng nào, anh chị lại cho con đi bấm huyệt, châm cứu, tập vật lí trị liệu, diện chẩn…, bất cứ phương pháp điều trị nào có thể giúp bé Tuyền phục hồi.
Thanh Tuyền đã có thể vận động tay khéo léo khi lắp chữ, ghép mô hình. |
Thế nhưng, ròng rã suốt 2 năm như vậy, Thanh Tuyền hầu như vẫn không có biến chuyển gì. Chỉ đến khi được ghép tế bào gốc tự thân tại Vinmec, với sự hỗ trợ chi phí từ Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup), cô bé mới thực sự hồi sinh.
“Nhiều bệnh nhân bị bại não nói riêng, bị tổn thương não nói chung không thể tìm được phương pháp điều trị nào hiệu quả. Chỉ đến khi được ghép tế bào gốc, những bệnh nhi này mới có chuyển biến”, GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec cho biết.
Cũng theo GS Liêm, tế bào gốc có những đặc tính rất đặc biệt, không loại tế bào nào có thể thay thế được. Với những bệnh nhân bị tổn thương não, khi được ghép tế bào gốc, những tế bào này sẽ di chuyển đến não và bằng nhiều cơ chế khác nhau, giúp cho các tế bào não bị tổn thương được phục hồi.
Theo nhiều nghiên cứu, ở Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh bại não rất cao, chiếm tới 0,06 – 0,19%. Căn bệnh này gây ra gánh nặng cho cộng đồng và mỗi gia đình, cướp đi tương lai của hàng trăm ngàn trẻ em. Chính vì vậy, liệu pháp ghép tế bào gốc giống như một phép màu đối với các gia đình có con bị bại não bởi nó đã giúp cho nhiều bệnh nhân hồi phục một cách thần kì.
Thanh Tuyền bắt tay chào Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm – người hồi sinh cuộc đời em – trước khi ra viện. |
“Liệu pháp ghép tế bào gốc đang được thực hiện tại BV ĐKQT Vinmec theo quy trình chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn quốc tế để đem lại hiệu quả cao nhất. Trong tương lai, phương pháp này có thể mở rộng để điều trị nhiều bệnh khác như tự kỉ, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, Parkinson…”, GS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.
Box: Những trường hợp bại não được điều trị bằng liệu pháp ghép tế bào gốc trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân điều trị bại não ở trẻ em” do GS Nguyễn Thanh Liêm chủ trì tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã chứng minh tính an toàn, hiệu quả rất cao của phương pháp này.
Hiện nay, Bệnh viện đang xin phép Bộ Y tế triển khai, ứng dụng rộng rãi phương pháp này với những bệnh nhân khác trong cộng đồng. Những trường hợp này sẽ được Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ từ 30-100% tùy hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình.