Virus corona là gì?
Tính đến ngày 23/1, ít nhất 17 người đã chết và hơn 540 người đã bị nhiễm virus coron mới gây viêm phổi cấp ở Trung Quốc, trong khi virus đã xuất hiện ở các quốc gia và vùng lãnh thổ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Mỹ. Chính quyền Vũ Hán (Trung Quốc) tuyên bố ngừng mọi hoạt động hàng không và đường sắt ra ngoài thành phố để ngăn dịch lây lan.
Virus corona là một nhóm lớn các loại virus phổ biến ở động vật. Trong những trường hợp hiếm hoi, chúng có thể được truyền từ động vật sang người. |
Theo Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh dịch, virus corona là một họ lớn gồm nhiều chủng virus khác nhau phổ biến trong động vật. Trong một số trường hợp hiếm hoi chúng có thể lây nhiễm từ vật sang người, nhưng hiện chưa thể xác định do động vật nào.
Loại virus corona mới này được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019, có thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 7 ngày. Qua các trường hợp được xác nhận cho đến nay, những người bị nhiễm virus phát triển các triệu chứng sau một vài ngày, nhưng không quá 12 ngày. Nó được coi là “anh em họ” của virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS, bởi 80% giống với virus SARS.
Triệu chứng ban đầu chủ yếu của người bệnh là sốt và ho khan, bệnh nhân cũng có thể khó thở hoặc đau ngực trong 3 đến 5 ngày sau khi họ bị nhiễm virus. Một số bị suy hô hấp hoặc sốc.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ, virus corona lây từ người sang người qua 3 con đường: Do người bệnh ho phát tán virus vào không khí phạm vi 3m (con đường chủ yếu); Bắt tay và tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh; Tiếp xúc với bề mặt có chứa virus, sau đó chạm vào mũi, mắt, và miệng.
Hiện không có vắc-xin để ngăn ngừa nhiễm trùng virus corona. Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng là tránh tiếp xúc với virus này.
Với phụ nữ mang thai, các chủng virus corona có thể gây hậu quả nguy hiểm hơn. Có những trường hợp thai phụ bị MERS đã bị chết lưu thai như trong kết quả một nghiên cứu năm 2014.
Khẩu trang không bảo đảm an toàn 100%
Khẩu trang y tế FFP2 (trái) và khẩu trang thông thường - Ảnh: LCI. |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, trên thực tế sử dụng khẩu trang không đúng cách có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm thay vì giảm bớt nguy cơ. Nếu phải sử dụng khẩu trang, cần phải được tập huấn cách sử dụng đúng thiết bị này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện tại chưa có cách nào khác hơn để phòng chống virus corona ngoài những khuyến cáo về dấu hiệu và vệ sinh phòng bệnh của Bộ Y tế. Để phòng dịch tiết lây lan khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc khu vực có tiếp xúc dịch tễ, người dân có thể sử dụng loại khẩu trang phẫu thuật 3 lớp. Đây là loại khẩu trang có thể ngăn ngừa dịch tiết chứa virus corona. Ngoài ra, các loại khẩu trang chuyên dụng như N95 và quần áo bảo hộ chỉ dùng cho nhân viên y tế làm việc trong môi trường tiếp xúc với mầm bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh) cũng khuyến cáo hiện tại, người dân có thể dùng các loại khẩu trang y tế 2-3 lớp khi di chuyển ra ngoài môi trường và chỉ nên sử dụng khẩu trang này một lần. Cần mang khẩu trang vừa vặn, có thể che kín được cả miệng và mũi. Không nên đeo khẩu trang chỉ để che miệng hoặc che mũi rồi thỉnh thoảng kéo xuống cằm để cười nói.
Để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, người dân cần áp dụng một số hành động phòng ngừa hàng ngày như sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn.
- Dùng khăn giấy che miệng mũi khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt giấy vào thùng rác.
- Hạn chế chạm vào mắt, mũi, miệng khi tay bẩn.
- Không tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng với người có triệu chứng của bệnh cảm như sốt, ho, sổ mũi, hoặc đau nhức
- Không ra đường khi bạn có dấu hiệu của bệnh cảm.
- Làm sạch, khử trùng các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào.
Ngành y tế tại TP Hồ Chí Minh đã được cung cấp trang, thiết bị để ứng phó với bệnh do virus corona mới gây ra. |
Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam để phòng, tránh dịch viêm phổi cấp lây lan
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.
Mỹ sắp thử nghiệm vắc xin ngừa virus corona Trong bài viết vừa đăng tải trên tạp chí y khoa JAMA, các nhà nghiên cứu y học tại Mỹ cho biết sẽ thử nghiệm vắc xin phòng ngừa virus corora trên người. Trong bài viết số ra ngày 23/1 của Tạp chí y khoa Mỹ JAMA, các nhà khoa học cho biết một loại vắc xin ngừa chủng corona (2019-nCoV) có thể sẵn sàng đưa vào thử nghiệm trên người giai đoạn đầu trong vòng 3 tháng tới. Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cùng Catharine Paules, Trợ lý nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học bang Pennsylvania, cho biết từ khi dịch SARS bùng phát năm 2003 đến nay, y học thế giới đã có nhiều bước phát triển về công nghệ, nhất là trong việc sản xuất vắc xin. Đây là tín hiệu đáng mừng giữa tâm bão chủng corona đang gieo rắc nỗi sợ trên toàn cầu. Nó cho phép các chuyên gia đẩy nhanh nghiên cứu điều chế vắc xin ngừa chủng virus mới. Kết quả này thu được từ những nghiên cứu dựa trên trình tự gen của virus SARS. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy virus 2019-nCoV với virus gây bệnh SARS có sự tương đồng axit amin và có thể sử dụng ACE2 như một thụ thể. Nhóm virus này thường được tìm thấy ở các động vật có vú và chim, các chủng virus giống nhau về cấu trúc hóa học, hình thái. Theo tác giả bài báo, các nhà khoa học hy vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình phát triển vắc xin hơn nữa với công nghệ vắc xin RNA (mRNA). Nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc dự đoán tiềm năng phát triển của đại dịch corona mà nhiều người đang lo sợ. Các tổ chức y tế của Mỹ và Trung Quốc cũng đang hợp tác để phát triển một loại vắc xin chống lại loại virus mới vừa khiến 830 trường hợp viêm phổi tại Trung Quốc gần đây, theo Xinhua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đây là vấn đề khẩn cấp của Trung Quốc nhưng vẫn “còn quá sớm” để tuyên bố đại dịch toàn cầu. |