Dinh dưỡng ngày tết hợp lý ra sao?
Bạn không nên ăn quá nhiều trong ngày Tết.
Theo TS Trần Quốc Cường - giảng viên bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.Hồ Chí Minh, ngày tết là sum vầy, gia đình vui vẻ đầm ấm bên nhau với nhiều bữa tiệc nhưng lại chỉ tập trung trong thời gian ngắn.
Điều này làm chúng ta đối mặt với nhiều nguy cơ ngày tết như tăng cân do dư thừa năng lượng, các bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa của các bệnh mạn tính không lây, ngộ độc thực phẩm...
Tuy nhiên, không phải vì thế mà quá cực đoan trong ăn uống, món gì cũng phải thử, mà phải biết tiết chế. Không tự dằn vặt, trách móc bản thân vì đã có những bữa tiệc, bữa ăn quá đà. Thay vào đó nên biết kỹ năng từ chối thích hợp.
"Cái gì cũng ăn nhưng không ăn nhiều. Đừng cảm thấy ăn năn hối hận mà hãy chuộc lỗi ngay bữa sau hoặc ngày sau. Hãy mạnh dạn từ chối nhưng bằng cách khéo nhất. Vào bữa tiệc không phải cái gì cũng ăn mà phải có chiến lược ăn những gì mình thích mà thôi" - TS Cường chia sẻ.
Cùng quan điểm, VĐV Nguyễn Hồng Lợi cho rằng tết là vui chơi chứ không chỉ ăn tết. Đồ ăn nhiều dầu mỡ anh đều hạn chế, dùng nhiều rau quả, trái cây.
"Tôi chỉ góp vui chứ không uống bia rượu. Dù VĐV người khuyết tật không chịu quá nhiều áp lực thành tích như VĐV bình thường nhưng tôi luôn ý thức giữ sức khỏe cho mình. Mọi năm tôi vẫn xuống hồ tập luyện bình thường vào sáng mùng 1" - anh Lợi chia sẻ.
Thói quen lành mạnh cần có trong Tết
Hạn chế rượu bia và nước uống có ga
Trong nước ngọt có nhiều đường nên khi cơ thể hấp thụ nhiều sẽ tạo thành mỡ thừa dẫn đến tăng cân. Mặt khác khi uống rượu bia, các độc tố sẽ bị giữ lại gan gây ảnh hưởng đến sự trao đổi chất ở cơ quan này. Việc uống quá nhiều sẽ làm gan bị tổn thương khiến chức năng thải độc của gan giảm sút gây ảnh hưởng xấu đến sự tiêu hóa của cơ thể. Vì vậy, hãy thay thế nước ngọt bằng các loại nước ép và nước mát nhé.
Cẩn thận với đồ ăn nguội
Mọi người thường mua thực phẩm để vào tủ lạnh dự trữ cho 3 ngày Tết nên đồ ăn không được tươi ngon. Những món ăn đặc trưng đó thường là chân giò hun khói, giò, chả, lạp xưởng, bò khô, xúc xích, giăm bông… Các thực phẩm này đều mặn, giàu chất béo nên không tốt cho những người cần kiêng muối và kiêng mỡ. Do đó, bạn nên ăn đồ tươi và nóng sốt hàng ngày bằng việc nấu cơm đều đặn, chế biến món rau xào hay những bát canh nóng hổi.
Khẩu phần ăn tổng thể phải ít hơn ngày thường
Ngày lễ Tết, con người hầu như ít vận động hơn so với những ngày đi làm. Vì vậy, cần cân đối chế độ ăn cho phù hợp lượng năng lượng được sử dụng. Cụ thể, khẩu phần ăn tổng thể phải giảm đi một lượng đáng kể so với ngày thường.
Ghi nhớ khẩu hiệu "thà lãng phí còn hơn béo phì"
Nói như vậy có nghĩa là bạn không nên ăn cố khi đã đủ no. Nhưng để tránh lãng phí thì tốt nhất bạn chỉ nên mua thực phẩm ở mức vừa đủ và khi nấu ăn nên nấu ít món với số lượng vừa phải.
Nấu những bữa ăn ngày lễ tốt cho sức khỏe
Nếu bạn giữ vai trò chủ tiệc, hãy thử nấu những món ăn lễ Tết thông thường theo cách khác để ít dầu mỡ hơn và dưới dạng calo thấp. Có nhiều cách để biến những món ăn truyền thống vừa giữ được mùi vị hấp dẫn vừa không hại sức khỏe bạn chỉ cần bỏ chút công sức để tìm tòi thực hành. Việc này không chỉ giúp bạn ăn uống lành mạnh mà người thân và bạn bè bạn cũng được hưởng lợi theo.