Số liệu tổng hợp từ worldometers.info cho thấy tính đến 5h40 ngày 5/4 (giờ Việt Nam), cả thế giới có 1.197.038 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 64.583 ca tử vong.
Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 80.376 ca mắc mới và 5.409 ca tử vong. Với số ca nhiễm đã lên tới hơn 300.000 người, Mỹ vẫn dẫn đầu danh sách các nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới.
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại khu dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 bên ngoài bệnh viện Brooklyn ở New York (Mỹ). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Trump cảnh báo “tuần cam go nhất”
Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số trường hợp mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới, với 307.721 ca, trong đó số ca tử vong là 8.377 tính tới 6h sáng 5/4.
New York là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 113.806 ca mắc bệnh và 3.565 ca tử vong. Ngày 4/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ triển khai thêm 1.000 nhân viên quân sự tới New York nhằm giúp thành phố này kiểm soát được dịch COVID-19.
Các bang có số bệnh nhân COVID-19 trên 10.000 người là New Jersey, Michigan, California, Louisiana, Florida, Massachusetts và Pennsylvania.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo rằng "tuần cam go nhất" của nước Mỹ sắp đến và dự báo sẽ có nhiều ca tử vong do bùng phát dịch bệnh. Phát biểu trong cuộc họp báo của lực lượng đặc nhiệm chuyên trách phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 4/4, Tổng thống Trump cam kết sẽ cung cấp cho các điểm nóng dịch bệnh trên khắp nước Mỹ vật tư y tế cần thiết nhằm đối phó với đại dịch, đồng thời lưu ý rằng chính phủ liên bang đã lập các bệnh viện dã chiến mới tại một số bang và đã sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến ở New York.
Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đã nộp đơn vay 5,4 tỷ USD sau khi chương trình cứu trợ do Chính phủ Mỹ ban hành bắt đầu có hiệu lực.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã mất 701.000 việc làm trong tháng Ba vừa qua sau khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ... phải đóng cửa do tác động của dịch bệnh COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế số một thế giới tăng lên mức 4,4%. Bộ Lao động Mỹ cho biết tháng Ba vừa qua là tháng thị trường việc làm ghi nhận số người lao động mất việc cao nhất kể từ tháng 3/2009 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở giai đoạn trầm trọng nhất. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng này cũng ghi nhận mức tăng cao nhất tính theo tháng trong hơn 45 năm qua.
Tây Ban Nha
Tây Ban Nha đã vượt Italy về số ca mắc COVID-19, đứng thứ hai chỉ sau Mỹ, với gần 126.168 ca và 11.947 ca tử vong. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 4/4 đã phải gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 25/4 tới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Thủ tướng Sanchez cũng cho biết Madrid sẽ nới lỏng các quy định về hạn chế hoạt động kinh tế, vốn được áp đặt theo lệnh tình trạng khẩn cấp dự kiến có hiệu lực đến sau kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh. Ông Sanchez cũng tuyên bố Tây Ban Nha sẽ “không từ bỏ ý tưởng phát hành trái phiếu châu Âu” như một phương án nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra.
Italy
Italy là quốc gia có số ca tử vong cao nhất trên toàn cầu, với 15.362 người trong gần 124.632 người nhiễm bệnh. Theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Angelo Borrelli, tình trạng phong tỏa có thể sẽ kéo dài sau ngày 13/4, thậm chí người dân Italy cũng sẽ phải ở nhà vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza khẳng định giãn cách xã hội là vũ khí duy nhất đẩy lùi dịch bệnh. Italy có thể bước vào giai đoạn 2, sống chung với dịch bệnh, vào thời điểm giữa tháng 5.
Đức
Theo worldometers.info, ngày 4/4, Đức ghi nhận thêm 4.933 ca nhiễm mới và 169 ca tử vong. Như vậy đến nay, Đức đã có 96.092 ca mắc COVID-19 và 1.444 ca tử vong.
Truyền thông Đức tối 3/4 (giờ Đức) đăng tải thông điệp bằng video của Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi tất cả công dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngay cả vào dịp Lễ Phục sinh.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Merkel nói rằng, đã có những dấu hiệu cho thấy hiệu quả từ các biện pháp hạn chế, sự lây lan virus SARS-CoV-2 đã chậm lại, nhưng bà chưa thể đưa ra thời hạn kết thúc đối với các hạn chế và cho rằng, điều này sẽ là vô trách nhiệm trong tình hình hiện tại. Bà nhấn mạnh “chắc chắn là quá sớm để nói về việc nới lỏng các quy tắc nghiêm ngặt”, virus đang tiếp tục lây lan “với tốc độ cao” ở Đức.
Pháp
Tính đến tối 4/4, cơ quan y tế Pháp xác nhận 7.560 trường hợp tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát ở nước này, trong đó 5.532 ca tử vong trong bệnh viện và 2.028 ca tử vong tại các viện dưỡng lão.
Như vậy, số ca tử vong tại Pháp đã tăng 1.053 ca so với một ngày trước đó, đây cũng là số ca tử vong mới cao nhất thế giới trong 24h qua theo tổng hợp của worldometers.info.
Theo worldometers.info, hiện Pháp có 89.053 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 được xác nhận qua xét nghiệm, tăng 7.788 ca trong 24 giờ qua.
Tổng cục trưởng Tổng cục y tế Pháp Jérôme Salomon cho rằng nước này đang ở đầu giai đoạn có thể đánh giá được tác động của lệnh hạn chế đi lại. Ông nhấn mạnh rằng có thể một ngày nào đó sẽ “đề nghị tất cả mọi người đeo khẩu trang, nhưng chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn đó”.
Vấn đề này đang được thảo luận với các chuyên gia, hội đồng khoa học và các nhà virus học. Ông cũng khẳng định rằng khẩu trang thay thế bằng vải, hiện đang được các công ty dệt may và thời trang của Pháp gấp rút sản xuất, có thể là “một bổ sung” nhưng nhất định không được tạo ra “cảm giác an toàn giả” trong dư luận khiến cho người dân buông lơi các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác như rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.