Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 6-9/9, hai Trạm Y tế phường là Hạ Đình và Thanh Xuân Trung đã khám bệnh miễn phí cho người dân sống quanh khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ cháy của Công ty cổ phần Bóng đèn và phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông).
Bên cạnh các trường hợp đến khám tại trạm y tế, người dân còn đến khám sàng lọc nguy cơ nhiễm độc thủy ngân tại một số bệnh viện trong thành phố. Ngày 9/9, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận 19 trường hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn 5 trường hợp và Bệnh viện đa khoa Đống Đa 14 trường hợp.
Nhiều công nhân của Công ty sản xuất dây cáp điện CADI SUN có mặt gần hiện trường đám cháy đến khám bệnh miễn phí |
Thống kê của Sở Y tế cũng cho biết, đến chiều 9/9, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã nhận được 39 mẫu xét nghiệm lượng thủy ngân. Trong đó, 30 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L - mức tối đa cho phép.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng công bố, trong hơn 100 người tới khám, xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu và nước tiểu ở Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã có 82 trường hợp có thủy ngân trong máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép).
Như vậy, theo con số công bố, đến nay đã có 112 người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy Công ty Rạng Đông có thủy ngân trong máu thấp dưới 10 mcg/L.
Theo nguồn tin trên Hà nội mới tại một số bệnh viện tiếp nhận người bệnh, công tác ứng trực tiếp nhận, khám và lấy mẫu xét nghiệm được bệnh viện triển khai rất đầy đủ.
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, TS Lương Đức Dũng, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, bệnh viện đã bố trí các bác sĩ túc trực từ 8h đến 17h hằng ngày tại Trạm Y tế phường Hạ Đình. Sau khi khám, tư vấn, với những trường hợp có chỉ định sẽ được chuyển đến bệnh viện. Bệnh viện cũng đã bố trí những giường bệnh dành riêng cho những bệnh nhân được chuyển đến từ trạm y tế.
Quy trình khám và lấy mẫu xét nghiệm tại bệnh viện cũng được triển khai rất chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định mà Sở Y tế Hà Nội đưa ra. Thậm chí, việc lấy mẫu nước tiểu của người dân cũng phải bảo đảm trong vòng 24 giờ. Những mẫu này sau đó được bệnh viện chuyển đến Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế).
Còn Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã bố trí bàn khám riêng tại Khoa Khám bệnh. Sau khám, người bệnh được chụp Xquang phổi, lấy mẫu máu và nước tiểu xét nghiệm. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Khoa Khám bệnh cho biết, qua khám lâm sàng cho thấy, chưa phát hiện trường hợp nào thực sự đáng lo ngại.
Theo BS.Ths Trần Thị Mai Hoa, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, bệnh nhân chủ yếu là người già và trung tuổi. Nhìn chung, sức khỏe các bệnh nhân tương đối ổn định.
Bà Nguyễn Thị Dần, sống cách nơi xảy ra vụ cháy 400m cho hay, sức khỏe bình thường nhưng mấy ngày gần đây xuất hiện hiện tượng mẩn ngứa và ho nên đã đi khám. Sau khi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, bà được khám thêm một lần nữa và làm các xét nghiệm.
Còn anh Trần Văn Thuyết (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì), làm việc tại nơi cách hiện trường vụ cháy 200m chia sẻ, đúng hôm xảy ra vụ cháy, anh đã dọn dẹp tại công ty đến đêm khuya và những ngày sau tiếp tục đi làm. Anh được chuyển lên bệnh viện sau khi khám tại trạm y tế phường với triệu chứng đau đầu, khó thở. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã chụp Xquang phổi và lấy máu, nước tiểu để xét nghiệm.