Sáng 19/10, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), rất đông trẻ con, người lớn ngồi nằm ken chật các phòng bệnh. Vì phòng không đủ sức chứa, hai trẻ phải nằm chung một giường. Bác sĩ Dư Tấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết số trẻ mắc tay chân miệng tại đơn vị này tăng gấp đôi so với tháng trước.
Mỗi ngày, khoa Nhiễm - Thần kinh tiếp nhận hơn 200 trẻ mắc tay chân miệng khám ngoại trú. Hiện bệnh viện có 40 bé điều trị nội trú. Đa số bệnh nhi có triệu chứng sốt, nhiều mụn nước nổi ở tay, chân, bụng, mặt…
So với tháng trước, số ca bệnh có tăng rất nhanh.
Bác sĩ Quy cho biết so với tháng trước, số ca bệnh có tăng rất nhanh. Một số trường hợp trẻ chuyển biến nặng hoặc biến chứng viêm phổi, phải thở máy.
Chu kỳ bùng phát của dịch tay chân miệng thường rơi vào các tháng 4-6 và 10-12. Khi bắt đầu cuộc sống bình thường mới, vào mùa tựu trường, du lịch… bệnh tay chân miệng quay trở lại và rơi vào đúng chu kỳ hàng năm của bệnh nên số ca tăng rất nhanh.
Bé trai 9 tháng tuổi, ở Bình Dương, đang điều trị tay chân miệng ngày thứ 5. Trước đó, bé sốt 39 độ C. Gia đình dùng thuốc đặt hậu môn hạ sốt cho con nhưng tình trạng nặng dần, các mụn nước nổi nhiều hơn. Sau 2 giờ nhập viện, các mụn nước nổi khắp người bé. Bệnh nhi được các bác sĩ phải truyền dịch, chống sốc và hồi sức tại phòng cấp cứu.
Bệnh nhân, người nhà nằm đầy hành lang vì bệnh viện quá đông.
Anh Nguyễn Trí Quang (ngụ tại TP Hồ Chí Minh) cho biết con trai được chẩn đoán tay chân miệng chỉ sau một ngày xuất hiện nốt mụn nước li ti trên da. Sau 2 ngày theo dõi, các bác sĩ cho trẻ xuất viện để theo dõi tại nhà.
“Bác sĩ vừa cho tôi đưa cháu về nhà để tiện chăm sóc vì phòng bệnh quá đông. Các vết mụn trên da bé khá nhiều nhưng sẽ xẹp dần sau 7-8 ngày. May mắn là con tôi bị nhẹ, không sốt và nặng như các cháu khác”, anh Quang nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, số bệnh nhân mắc tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh trong tuần 42 là 886. Đây là số liệu ca bệnh cao nhất từ đầu năm đến nay. Số ca bệnh trong tuần tăng trên mức độ cảnh báo ở quận 5, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Cần Giờ.
Một số điều cần lưu ý về bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine dự phòng. Bệnh thường lây lan nhanh vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn thấp kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ.
Có 2 thể tay chân miệng thường gặp, trong đó một thể nhẹ, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Thể còn lại nặng do virus EV71 gây ra, chiếm 21% số lượng bệnh nhân. Chủng virus này có thể gây biến chứng thần kinh và dẫn đến tử vong.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ cần mau chóng đưa con tới các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, và điều trị kịp thời.
Khi mới mắc bệnh, triệu chứng đầu tiên ở trẻ thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và thường sau sốt 1 - 2 ngày trẻ bắt đầu đau miệng, nổi ban. Ban xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, màu đỏ và một số hình thành bọng nước thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc có thể xuất hiện ở mông.
Tỷ lệ mắc bệnh chân tay miệng dạng nặng hiện rất cao (cứ 5 bé thì có 1 bé). Vì vậy, ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ cần mau chóng đưa con tới các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, và điều trị kịp thời vì hiện nay hầu hết các bệnh viện đã chủ động chuẩn bị về phác đồ điều trị mà Bộ Y tế đưa ra, cùng với đó trang thiết bị và thuốc men hiện đại nên đã rất thành công trong điều trị các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nặng.