Ảnh minh họa. |
Mua thuốc kháng sinh dễ như mua rau
Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh, mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng ở mức báo động.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2009 đến nay, số lượng bán thuốc kháng sinh ở Việt Nam ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần so với thời điểm hiện tại. Cùng với đó là việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất thực phẩm thiếu kiểm soát. Các loại kháng sinh sử dụng trên động vật nhằm điều trị bệnh, phòng bệnh và kích thích tăng trưởng cho vật nuôi đang được sử dụng bừa bãi, khiến cho thịt và các sản phẩm từ động vật luôn tồn dư một lượng lớn kháng sinh.
WHO đưa ra cảnh báo đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu. Đáng báo động hơn, trong số các quốc gia có tình trạng kháng thuốc kháng sinh nghiêm trọng thì Việt Nam là một trong số những nước đứng đầu.
Ông Lokky Wai – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, trong vài chục năm nữa, khi các phương pháp điều trị như hóa trị bệnh ung thư và phẫu thuật đơn giản sẽ không thể thực hiện được do phụ thuộc vào thuốc kháng sinh để bảo vệ bệnh nhân chống nhiễm trùng. Trong tương lai khi kháng sinh không còn tác dụng thì triệu chứng ho hay một vết cắt cũng có thể gây tử vong. Kháng thuốc kháng sinh không chỉ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người Việt Nam, môi trường cũng như tính bền vững của hệ thống sản xuất thực phẩm.
Một nghiên cứu của Bộ Y tế trong thời gian gần đây đã chỉ ra rằng, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh của người dân Việt Nam ở thành thị là 88%, trong khi ở nông thôn lên tới 91%, không phải bệnh viện tuyến trung ương sử dụng thuốc kháng sinh nhiều hơn các bệnh viện địa phương. Mà ngược lại, tỉ lệ sử dụng kháng sinh ở các bệnh viện tuyến trung ương chỉ chiếm gần 30% chi phí điều trị trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh là 35%, tuyến huyện là 45%.
Theo Thạc sỹ Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam hiện nay hết sức trầm trọng, hầu hết các chủng vi khuẩn đã kháng với kháng sinh, có nhiều vi khuẩn hiện nay đã kháng với nhiều loại kháng sinh. Có những chủng vi khuẩn đã xuất hiện biến đổi gen và kháng với tất cả các loại kháng sinh.
“Hiện nay, tỉ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam rất cao, trong các cơ sở khám bệnh 50% chi phí khám chữa bệnh dành cho tiền thuốc điều trị, trong đó thuốc kháng sinh chiếm tới 33%. Mua kháng sinh dễ như mua mớ rau ngoài chợ, người bán thuốc thì bán kháng sinh không cần đơn, thậm chí còn khuyên người dân mua loại kháng sinh nặng hơn”, ông Thái cho biết.
Có nguyên nhân từ bác sĩ
Lý giải cho hiện tượng kháng thuốc này, đại diện Bộ Y tế cho biết, việc sử dụng kháng sinh quá nhiều do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, trong đó có cả đội ngũ y, bác sĩ đã lạm dụng kháng sinh trong kê đơn cùng với đó việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi sản xuất thực phẩm thiếu kiểm soát. Các cơ sở khám chữa bệnh không có đủ các trang bị cần thiết như máy định danh vi khuẩn, không có điều kiện làm kháng sinh đồ để kê đơn điều trị đúng lộ trình.
Mặc dù, gần đây việc giám sát sử dụng kháng sinh trong hơn 1.000 bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh, huyện đã và đang được làm rất chặt chẽ, nhưng với các cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám tư nhân thì rất khó để có thể kiểm soát việc sử dụng kháng sinh. Hơn nữa, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chế tài xử phạt với các hành vi dùng thuốc kháng sinh không đúng như cấm các dược sĩ không được bán thuốc kháng sinh cho người dân khi không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên do mức xử phạt rất nhẹ, nên chưa đủ sức răn đe.
Bà Socorro Escalate - Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống Y tế của WHO tại Việt Nam chia sẻ: “Tại Việt Nam người dân có thể dễ dàng mua thuốc kháng sinh mà không cần kê đơn, thậm chí, bác sĩ còn kê hơn hai loại thuốc kháng sinh trong một đơn thuốc. Nguyên nhân là do bác sĩ thiếu kiến thức hoặc xác định nhầm bệnh, điều trị kháng sinh đã bị đề kháng, điều trị kháng sinh không đủ liều hoặc điều trị kháng sinh quá mức,... khiến bệnh nhân bị kháng kháng sinh.”.
Kháng kháng sinh khiến bệnh nhân phải chi trả nhiều hơn, thời gian hồi phục kéo dài, khả năng khỏe lại hoàn toàn thấp đi và nguy cơ tử vong tăng cao. Ông Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đưa ra ví dụ: Tình trạng bệnh nhân có thể không quá nghiêm trọng nhưng dễ gặp biến chứng dẫn đến tử vong nếu vào bệnh viện lây phải vi khuẩn kháng kháng sinh vô tình từ các bệnh đơn giản có khả năng chữa khỏi lại trở thành không chữa được. Xét về điều kiện xã hội, kháng kháng sinh dẫn tới nguy cơ tái nghèo.
Để cải thiện tình trạng kháng kháng sinh, ông Thái hy vọng kiến thức về kháng kháng sinh sẽ được phổ cập trong giáo dục để cộng đồng sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý. Tiếp đến, cần chống lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng. Hiện Bộ Y tế đã ban hành 700 hướng dẫn chẩn đoán điều trị cho thầy thuốc để sử dụng kháng sinh đúng cách, lập 16 đơn vị giám sát kháng thuốc. Ở mức độ cá nhân, mỗi người cần vệ sinh sạch sẽ bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn cẩn thận. Ngoài ra, các hãng dược phải cam kết thuốc kháng sinh lưu hành trên thị trường đều đảm bảo chất lượng bởi 46% kháng sinh ở Việt Nam được sản xuất trong nước./.