Ngày Tết rất dễ bị tiêu chảy?
Bạn cần thận trọng khi ăn uống trong ngày Tết để không bị tiêu chảy.
Vào dịp Tết, các gia đình thường chế biến sẵn thức ăn dự trữ và dùng trong vài ngày. Thức ăn dù đã nấu chín nhưng nếu để lâu trong nhiệt độ phòng thì trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì thế ngộ độc thức ăn và tiêu chảy cấp là những bệnh rất thường gặp trong mùa Tết.
Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn nhiều hay tiêu chảy nhiều hơn. Sau khi ăn từ 1 giờ trở đi, người bệnh sẽ có những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, bụng đau quặn từng cơn sau đó bị tiêu chảy, có thể kèm theo sốt, môi khô, lưỡi bẩn.
Nếu bị ngộ độc thức ăn, bạn hãy tìm cách nôn ra hết số thực phẩm đó. Cần uống oresol để bù lại lượng nước và muối đã mất. Nếu thấy tình trạng nặng thì phải đi cấp cứu ngay, tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy như viên rửa, sái thuốc phiện… vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập.
Thực phẩm dễ gây tiêu chảy trong ngày Tết
Thực phẩm chiên rán, chứa nhiều chất béo
Thực phẩm chiên rán, chứa nhiều chất béo gây hại cho dạ dày, dẫn đến trào ngược acid và ợ nóng. Thức ăn chứa nhiều chất béo cũng có thể dẫn đến phân nhạt màu - chứng phân mỡ, về cơ bản là chất béo thừa trong phân.
Rất nhiều người bị hội chứng ruột kích thích cần phải tránh xa các thực phẩm chứa chất béo, bao gồm cả bơ và kem vì chúng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy.
Đồ nướng
Đồ nướng rất giàu chất béo bão hòa, làm tăng cholesterol xấu, gây tình trạng viêm trong cơ thể. Ngoài ra, ăn đồ nướng nhiều còn làm tăng axit trong dạ dày.
Đồ uống có ga
Hầu hết đồ uống có ga bán sẵn trên thị trường đều có chứa khí CO2 bão hòa, gây chứng đầy hơi mà còn gây hại cho men răng. Các chuyên gia khuyến cáo nên uống các loại nước ép trái cây thay vì những đồ uống nhân tạo này.
Rượu
Rượu, bia là những loại thức uống gây kích thích và rối loạn cho hệ tiêu hóa. Hàm lượng cồn trong rượu, bia sẽ khiến ruột hoạt động co bóp nhanh hơn. Từ đó, chúng cản trở việc chuyển hóa và hấp thu nước từ thức ăn, gây tiêu chảy.
Ngoài ra, lượng chất carbohydrate có trong những loại thức uống này sẽ tạo nên quá trình lên men trong đường ruột và dẫn đến triệu chứng đi ngoài phân lỏng. Trong những trường hợp này, bạn nên bổ sung thêm nước cho cơ thể để tránh tình trạng mất nước.
Biện pháp điều trị chứng tiêu chảy
Nếu bạn không may mắc chứng tiêu chảy, hãy nhớ đến nguyên tắc đầu tiên: uống nước. Thông thường, các chuyên gia sức khỏe khuyến khích bạn nên uống từ 8–10 ly nước mỗi ngày. Đặc biệt, khi bị tiêu chảy, bạn còn cần uống nhiều hơn thế. Nguyên nhân là do việc đi tiêu ra phân lỏng nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, từ đó khiến bạn có nguy cơ gặp phải các biến chứng do tiêu chảy. Vì thế, việc uống đủ nước chính là bí quyết giúp bạn làm sạch hệ thống của cơ thể và khiến bạn cảm thấy khá hơn.
Mặc dù bị tiêu chảy nhưng bạn vẫn phải ăn uống điều độ, tuyệt đối không nên để cảm giác khó chịu đó khiến bạn bỏ bữa. Nếu bỏ bữa, tình trạng này sẽ làm cho bạn đói bụng đến nỗi ngay sau khi cảm thấy đỡ hơn, bạn có thể ăn nhiều hơn bình thường. Và tất nhiên, một bữa ăn với lượng calo quá lớn có thể khiến bạn phải đi vệ sinh một lần nữa!
Vì thế, thay vào đó, bạn hãy có một chế độ ăn ít chất xơ tạm thời. Chuối chính là nguồn giàu dưỡng chất kali, mang tính dịu nhẹ và không gây kích ứng màng lót dạ dày. Ngoài ra, loại thực phẩm này còn giúp bạn dự trữ natri nếu như chứng tiêu chảy làm bạn tiêu hụt quá nhiều dưỡng chất này. Ngoài ra, một tách trà thảo mộc ấm không chứa caffeine (như trà gừng cùng bạc hà cay) cũng có thể giúp bạn làm giảm dịu cơn khó chịu đường ruột.