Thứ 7, 20/04/2024, 07:42 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

7 tuyệt chiêu chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa đông, cha mẹ nên biết

7 tuyệt chiêu chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa đông, cha mẹ nên biết
(Tieudung.vn) - Dưới đây là những cách chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa đông để con không bị ốm, cha mẹ nên biết.

Giữ ấm cho trẻ

Đây là việc làm quan trọng nhất đối với trẻ sơ sinh khi nhiệt độ môi trường xuống quá thấp. Lúc này, cha mẹ phải cho trẻ mặc đủ quần áo ấm, đặc biệt chú ý giữ ấm cho thóp, tai và bàn chân bằng tất, mũ len dày.

Có thể cho trẻ mặc nhiều quần áo, nhưng phải thông thoáng vì ngay cả khi trời lạnh, cơ thể trẻ vẫn không ngừng toát mồ hôi.

Khi trẻ ở trong nhà, không nên để trẻ mặc nhiều quần áo dày sẽ khiến trẻ khó chịu. Thay vào đó, hãy để trẻ mặc vừa phải, sau đó ủ ấm thêm bằng cách ôm trẻ vào lòng hoặc đắp chăn. Lưu ý chỉ nên cho trẻ đắp chăn nhẹ, nếu chăn quá dày và nặng sẽ làm trẻ khó thở.

7 tuyệt chiêu chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa đông, cha mẹ nên biết

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Điều chỉnh nhiệt độ phòng

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh mùa đông, hãy cố gắng để nhiệt độ khoảng 25 – 26 độ C, không nên để nhiệt độ quá cao sẽ khiến trẻ bị sốt, còn nhiệt độ quá thấp (dưới 20 độ C) lại làm trẻ bị lạnh cóng, ngạt mũi, khó thở.

Người mẹ có thể làm ấm căn phòng của mình bằng cách đóng kín cửa, lót chăn đệm vào giường. Nếu có điều hòa nhiệt độ hai chiều thì càng tốt. Cần lưu ý tuyệt đối không được đốt than củi trong phòng để làm tăng nhiệt độ vì khí độc từ than rất dễ làm trẻ tử vong.

Tắm và vệ sinh cho trẻ 

Vào mùa đông, không cần thiết phải ngày nào cũng tắm cho trẻ, có thể 2 – 3 ngày mới tắm 1 lần nhưng nhất định phải vệ sinh sạch sẽ vùng mông, bẹn. Sau mỗi lần thay tã, phải nhanh chóng rửa sạch mông, bẹn, hậu môn bằng nước ấm rồi lau khô bằng khăn xô mềm.

Khi tắm cho trẻ, dùng nước ấm 34 – 36 độ, nhiệt độ quá cao sẽ làm trẻ bị bỏng da. Người lớn kiểm tra độ ấm của nước bằng cùi chỏ hoặc nhiệt kế.

Lưu ý đặt chậu tắm trong phòng kín gió để tránh bị cảm lạnh. Có thể dùng máy sưởi trong khi tắm cho trẻ nhưng cần chú ý đến khoảng cách an toàn để trẻ không bị bỏng.

Tắm cho trẻ sơ sinh vào mùa lạnh đòi hỏi càng nhanh càng tốt, từ khi cho trẻ xuống nước đến khi ra khỏi chậu chỉ được kéo dài 2 phút, nhưng những vị trí có nếp gấp như khuỷu tay, khuỷu chân, cổ, nách phải lưu ý làm sạch. Cho trẻ mặc quần áo ngay khi đã lau khô người bằng khăn xô.

Dùng kem dưỡng ẩm 

Đây là thời điểm độ ẩm không khí xuống thấp, nếu không dưỡng ẩm thì da trẻ dễ bị mất nước, nứt nẻ làm trẻ ngứa ngáy và đau đớn.

Cha mẹ có thể chăm sóc da trẻ sơ sinh mùa lạnh bằng lotion hoặc các loại kem dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh. Không được dùng kem dưỡng ẩm của người lớn để bôi cho trẻ, vì da trẻ nhạy cảm sẽ dễ bị dị ứng.

Thời điểm tốt nhất để thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh là sau khi tắm xong và toàn thân trẻ đã được lau khô.

Massage cho trẻ bằng tinh dầu

Massage toàn thân cho trẻ giúp trẻ ăn ngủ tốt, các mạch máu được lưu thông và làm thân nhiệt của trẻ ấm lên. Sử dụng dầu tràm để xoa vào bụng và bàn chân, hay dầu hạnh nhân/dầu dừa đều tốt và lành tính cho trẻ, nhưng không nên lạm dụng quá nhiều.

Tắm nắng cho trẻ

Trẻ vào mùa đông vẫn cần được tắm nắng để bổ sung vitamin D, nhưng ánh nắng vào mùa đông xuất hiện muộn, cường độ nắng yếu kèm theo rất nhiều gió rét, vì vậy thời điểm thích hợp nhất là cho trẻ tắm nắng 10 phút vào 9 – 10 giờ sáng và 10 phút vào 15 – 17 giờ chiều. Những thời gian còn lại, nhất là sáng sớm và buổi tối nên hạn chế đưa trẻ ra khỏi nhà vì thời tiết lúc đó rất lạnh.

Cho trẻ bú

Mẹ nên cho bé bú thật no, điều này giúp sản sinh năng lượng làm ấm cơ thể trong mùa đông lạnh. Thêm vào đó, mẹ có thể đắp một tấm chăn mỏng để giữ ấm cho cả mẹ và con.

Đồng thời, mẹ nên cho bé bú trong phòng kín gió và thoáng đãng. Sau khi bú xong mẹ đặt bé nằm xuống nghỉ ngơi và luôn đảm bảo cho bé trong trạng thái ấm áp.

Tags:
4.1 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.54007 sec| 775.125 kb