Hội đồng tuyển sinh ĐH chính quy năm 2021 của trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra phương hướng tuyển sinh ĐH chính quy với 6 phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2021 như sau:
Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT: 1-5%;
Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG: 15-25%;
Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2021: 30-60%;
Xét tuyển theo kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM: 30-70%;
Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài: 1-5%;
Xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn: 1-5%.
Năm 2021, nhà trường xét tuyển 5.000 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy cho 35 ngành đào tạo chương trình trong nước và chương trình liên kết quốc tế.
Nhà trường đã công bố chi tiết chỉ tiêu theo ngành trong năm tuyển sinh 2021. Theo đó, trường đã phân bố lại chỉ tiêu cho mỗi ngành: kỹ thuật hóa học, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học (nhóm ngành) giảm còn 320 chỉ tiêu (năm 2020: 370 chỉ tiêu).
Kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, kỹ thuật xây dựng công trình thủy, kỹ thuật xây dựng công trình biển, kỹ thuật cơ sở hạ tầng; công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng; kỹ thuật trắc địa - bản đồ (nhóm ngành) giảm 45 chỉ tiêu: 645 chỉ tiêu.
Vật lý kỹ thuật; cơ kỹ thuật giảm 20 chỉ tiêu/ngành: 50 chỉ tiêu/ngành.
Kỹ thuật hóa học (chương trình chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh): 200 chỉ tiêu (tăng 50 chỉ tiêu)
Kiến trúc - chuyên ngành kiến trúc cảnh quan (chương trình chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh) - dự kiến tuyển mới: 45 chỉ tiêu.
Vật lý kỹ thuật (chuyên ngành kỹ thuật y sinh, chương trình chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh): 45 chỉ tiêu (giảm 5 chỉ tiêu).
Cơ kỹ thuật (chương trình chất lượng cao - tăng cường tiếng Nhật) - dự kiến tuyển mới: 45 chỉ tiêu.
Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh áp dụng hình thức xét tuyển bằng phỏng vấn cho cho các ngành gồm: nhóm ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật điện - điện tử, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật dầu khí, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật hóa dược, kỹ thuật môi trường, chuyên ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thực phẩm/khoa học thực phẩm.
“Trường rất xem trọng hình ảnh của nhà trường khi chuyển tiếp sinh viên ra nước ngoài, và có nhu cầu gia tăng kết nối chặt chẽ với các trường hàng đầu thế giới để tăng cường hội nhập quốc tế. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng các hình thức liên kết kể cả ở bậc đào tạo cao hơn”, PGS-TS Bùi Hoài Thắng Trưởng phòng Đào tạo chia sẻ.
Về nội dung phỏng vấn, ông Thắng cho biết những câu hỏi tập trung tìm ra sự phù hợp về năng lực học tập, mức độ hiểu biết ngành nghề, kế hoạch học tập của thí sinh (TS)… “Các câu hỏi này không liên quan nhiều đến kiến thức TS đã học ở bậc phổ thông. Nếu có chỉ là những câu hỏi kiểm tra tố chất liên quan ngành học”, ông Thắng nói thêm.
Đáng chú ý, hội đồng chuyên môn từng ngành học sẽ trực tiếp phỏng vấn TS và quá trình phỏng vấn này có thể diễn ra bằng tiếng Anh để giúp TS thể hiện sự sẵn sàng tham gia học tập trong môi trường tiếng Anh. Việc xét chọn TS sẽ dựa trên cả thành tích học tập, bài luận và phỏng vấn.
Theo nguồn tin trên Vietnamnet, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, cho hay đây là năm đầu tiên trường thực hiện xét tuyển bằng phương thức phỏng vấn.
Mục đích của phỏng vấn là nhắm tới một lượng sinh viên học bằng chương trình tiếng Anh và có dự tính chuyển tiếp đi học nước ngoài.
Theo ông Thắng, phương thức xét tuyển bằng phỏng vấn sẽ sử dụng tiếng Anh.
Theo phương thức này, thí sinh vẫn phải nộp hồ sơ gồm thành tích học tập và bài luận..., nhưng điểm số sẽ chỉ mang tính chất tham khảo.