Thứ 2, 25/11/2024, 14:01 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Bộ Nội vụ trả lời về quy định người đứng đầu trường đại học

Bộ Nội vụ trả lời về quy định người đứng đầu trường đại học
(Tieudung.vn) - Bộ Nội vụ cho rằng hiệu trưởng là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập chứ không phải chủ tịch Hội đồng trường.

Người đứng đầu cơ sở công lập là ai?

Bộ Nội vụ trả lời về quy định người đứng đầu trường đại học

Ảnh minh họa. Trong ảnh: Sinh viên Trường đại học Tài chính Marketing TP Hồ Chí Minh.

Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định chung về khái niệm thế nào là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Vì thế, trong một cơ quan, tổ chức, muốn xác định người đứng đầu là ai phải căn cứ vào quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau.

Về người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập, Bộ Nội vụ cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học và Nghị định 99 không quy định địa vị pháp lý và chỉ rõ ai là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập giữa Chủ tịch Hội đồng và Hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học công lập.

Do đó, việc xác định người đứng đầu phải được căn cứ theo quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy và các văn bản pháp luật có liên quan quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Ngoài ra theo quy định của Luật số 34, Bộ Nội vụ cho rằng hiệu trưởng là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập. Lý do, hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học.

Hiệu trưởng cũng là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng cũng là thành viên đương nhiên trong Hội đồng trường (không phải là thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học).

Chủ tịch Hội đồng trường là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ không phù hợp. Bởi Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Chức danh chủ tịch Hội đồng trường do Hội đồng trường bầu theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín. Trong đó có thể thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch Hội đồng trường. Nếu trúng cử mới sẽ chuyển thành viên chức cơ hữu của trường đại học công lập.

Ngoài ra, hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Quyết định của Hội đồng trường được thể hiện bằng hình thức nghị quyết. Như vậy, hoạt động của Hội đồng trường theo cơ chế tập thể, không phải theo nguyên tắc thủ trưởng lãnh đạo.

Cũng theo Bộ Nội vụ, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng trường là chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng trường.

Ngoài ra, Luật 34 không có điều khoản nào quy định Chủ tịch Hội đồng trường là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; là người đại diện theo pháp luật, là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học; là người tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản;…

Về kỷ luật đối với các chức danh Hội đồng trường, Hiệu trưởng

Đối với xử lý kỷ luật:

Luật 08/2012/QH13 có quy định về các hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, có thể bị truy cứu trách nhiệm . Luật số 34/2018, Nghị định 99/2019 quy định bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng trường.

Đồng thời, Luật số 34/2018 có quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học công lập quy định về Hội đồng trường có nội dung: Thủ tục Hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường đại học, việc quyết định chức danh quản lý khác nhau của trường đại học trong quy trình bổ nhiệm nhân sự; căn cứ và thủ tục đề xuất bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; số lượng quản lý cấp phó; thời gian tối đa giữa chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và chức danh quản lý khác của trường đại học, mà không có quy định về các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch Hội đồng trường, thành viên Hội đồng trường, Hiệu trưởng.

Theo quy định của Luật 34/2018 thì Hội đồng trường có thành viên đương nhiên và thành viên bầu. Do vậy, Bộ Nội vụ cho rằng, đối với chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng trường, Hiệu trưởng là viên chức của trường đại học công lập, nếu vi phạm pháp luật thì việc xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về viên chức.

Về thẩm quyền xử lý kỷ luật:

Theo quy định tại Khoản 1, ĐIều 31, nghị định 112/2020/NĐ-CP thì đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật; đối với viên chức giữ chức vụ, chức danh cho bầu cử thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Như vậy, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng trường, các thành viên khác của Hội đồng trường, Bộ Nội vụ cho rằng:

Đối với viên chức của trường đại học công lập giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng trường, thành viên Hội đồng trường:

Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với các chức danh này là Bộ trưởng theo quy định tại Khoản 1, Điều 31, Nghị định 112/2020 vì Bộ trưởng là người ra quyết định công nhận chủ tịch Hội đồng trường, các thành viên của Hội đồng trường theo quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 7, Nghị định 99/2019. Đồng thời căn cứ quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về viên chức, Hội đồng trường xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức danh Hội đồng trường đối với các trường hợp này theo quy định của pháp luật và quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học (nếu có).

Tuy nhiên, tại Luật số 34/2018 quy định thành viên ngoài trường đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của Hội đồng trường. Theo đó, đối với các trường hợp này nếu vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì Bộ trưởng không có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với các trường hợp này do không phải là viên chức của trường đại học công lập thuộc Bộ, không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật, nahats là đối với thành viên Hội đồng trường là thành viên ngoài trường đại học, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với các trường hợp này khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ là thành viên của Hội đồng trường nếu có vi phạm.

Đối với viên chức là Hiệu trưởng:

Luật số 34/2018 quy định Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do Hội đồng trường quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.

Đồng thời, Luật số 34/2018 có quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học công lập theo quy định về Hội đồng trường có nội dung: Thủ tục Hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường đại học, việc quyết định chức danh quản lý khác của trường đại học trong quy trình bổ nhiệm nhân sự; căn cứ và thủ tục đề xuất bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học…

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về viên chức thì bãi nhiệm, miễn nhiệm không phải là hình thức kỷ luật đối với viên chức quản lý. Theo quy định tại khoản 1, Điều 55, Nghị định 115/2020 thì việc miễn nhiệm viên chức quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:

(1) Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

(2) Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế.

(3) Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo 2 lần trong cùng một thời gian bổ nhiệm.

(4) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ.

(5) Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.

Theo quy định tại Luật số 34/2018 thì việc xây dựng Quy chết tổ chức và hoạt động của trường đại học do Hội đồng trường thực hiện, do vậy, để tránh tình trạng mỗi trường đại học công lập lại có quy định khác nhau về việc quyết định nhân sự Hiệu trưởng, đồng thời để bảo đảm tính thống nhất khi các cơ sở giáo dục đại học công lập xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, trong đó quy định về thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng, phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật, Bộ Nội vụ cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có hướng dẫn và làm rõ về trình tự, thủ tục quyết định Hiệu trưởng theo cơ bầu hay cơ chế bổ nhiệm; quy định về tính chất pháp lý về quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý sau khi Hội đồng trường đã quyết định nhân sự Hiệu trưởng, để có đủ căn cứ, cơ sở để xác định thẩm quyền khi xem xét, xử lý kỷ luật đối với Hiệu trưởng, bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng và của pháp luật hiện hành có liên quan, vì nếu không rõ về trình tự, thủ tục quyết định hiệu trưởng theo cơ chế bầu hay cơ chế bổ nhiệm sẽ dẫn tới tình huống sau trong quá trình thực hiện:

Thứ nhất: Nếu Hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định theo cơ chế bầu thì Bộ trưởng có thẩm quyền xử lý kỷ luật (theo quy định tại Nghị định 112/2020) thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật).

Thứ hai: Nếu Hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định theo cơ chế bổ nhiệm thì Hội đồng trường có đủ thẩm quyền xử lý kỷ luật hay không? Vì Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên lợi ích liên quan. Hiệu trưởng lại được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận theo quy định của Luật số 34/2018.

Ngoài các tình huống nêu trên thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu để có hướng dẫn việc thực hiện kỷ luật trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thực hiện việc kiện toàn Hội đồng trường theo quy định của Luật số 34/2018 và Nghị định 99/2019, theo đó, thẩm quyền xem xét xử lý lỷ luật đối với Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập trong trường hợp này thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của người đứng đầu cơ quan bổ nhiệm Hiệu trưởng (vì Luật số 08/2012/QH13 quy định Hiệu trưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm).

Ngoài ra, trong thời gian qua, Bộ Nội vụ nhận được một số ý kiến phản ánh, kiến nghị của một số Bộ, ban ngành liên quan trong quá tình thực hiện Luật số 34/2018 và Nghị định 99/2019 như:

Việc xác định ai là người đứng đầu trường đại học công lập (xác định giữa Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng); quy định tuổi đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, tuổi đảm nhiệm Hiệu trưởng trường đại học công lập và tuổi tái cử Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng; quy định việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Hội đồng trường, Hiệu trưởng khi đã hết nhiệm kỳ tại thời điểm giao thoa giữa Luật số 08/2012 và Luật số 34/2018; quy định thẩm quyền, trách nhiệm và việc xử lý của cơ quan có thẩm quyền quản lý trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thành lập được Hội đồng trường theo quy định của Luật mới và chưa kiện toàn Ban giám hiệu; quy định việc kiện toàn Hội đồng trường, Hiệu trưởng trong trường hợp toàn bộ tập thể lãnh đạo của cơ sở giáo dục đại học công lập liên đới khi xem xét, xử lý kỷ luật…

Do vậy để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh xung đột pháp lý giữa quy định của Luật giáo dục đại học và các Luật chuyên ngành khác liên quan, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, là cơ quan được giao trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Nghị định 99/2019 theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 cần rà soát, tổng hợp những vấn đề còn vướng mắc khi triển khai thực hiện Luật 34/2018 và Nghị định 99/2019 để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tags:
4.1 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
3.63897 sec| 849.016 kb