Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu tổ chức lại kỳ thi Đánh giá năng lực học sinh THPT sau một thời gian tạm ngừng. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết bài thi sẽ tiếp cập theo hướng phi truyền thống nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh chứ không đơn thuần phục vụ cho tuyển sinh đại học.
Ảnh minh họa.
Về cấu trúc, bài thi Đánh giá năng lực gồm 3 phần; trong đó, phần 1 kiểm tra về Tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi thực hiện trong 75 phút; phần 2 kiểm tra về Tư duy định tính có 50 câu hỏi thực hiện trong 60 phút; phần 3 kiểm tra về Khoa học gồm 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội thực hiện trong 60 phút.
Thí sinh làm bài thi trên máy tính, gồm câu hỏi trắc nghiệm khách quan và câu hỏi điền đáp án; thời gian làm bài là 195 phút với thang 150 điểm.
Thí sinh sẽ biết điểm thi từng phần và tổng điểm ngay sau khi hoàn thành bài thi, trên cổng www.khaothi.vnu.edu.vn. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi tới thí sinh sau 14 ngày dự thi.
Ba nhóm năng lực chính cần đánh giá gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực Toán, Tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).
Kết quả bài thi đánh giá năng lực hướng tới nhiều mục đích như: Đánh giá năng lực học sinh để phân loại sau khi tốt nghiệp THPT; tư vấn cho hoạt động dạy và học, đảm bảo chất lượng giáo dục; dự báo chất lượng nhân lực phổ thông; tuyển sinh và dự báo kết quả học tập bậc đại học; hướng nghiệp cho học sinh.
Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, bài thi đánh giá năng lực học sinh Trung học phổ thông phục vụ nhiều mục đích; trong đó, có sử dụng để tuyển sinh đại học và hướng nghiệp cho học sinh. Công tác thi và tuyển sinh là hoàn toàn tách biệt. Tất cả các chương trình đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ dành chỉ tiêu, tiêu chí phù hợp để xét tuyển đối với các thí sinh sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh Trung học phổ thông (mã bài thi Q00) bên cạnh các phương thức xét tuyển đã áp dụng năm 2020.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh hiện nay, các trường đại học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Đại học Quốc gia Hà Nội sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh Trung học phổ thông với các cơ sở giáo dục đào tạo để đạt mục tiêu đề ra. Riêng đối với hoạt động tuyển sinh đại học, việc giảm tỷ lệ ảo là điều luôn được quan tâm. Nếu các trường đại học cùng phối hợp tuyển sinh sẽ hạn chế được lượng thí sinh ảo từ nhiều nguồn xét tuyển khác nhau. Đại học Quốc gia Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện để công tác xét tuyển và lọc ảo diễn ra thuận lợi.
Với các thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2021, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Hải đưa ra lời khuyên, học sinh tránh học tủ, học lệch hay ôn luyện tại bất kỳ nơi nào và dành thời gian ôn tập lại kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tác phong, thái độ trước khi thi.
Trường hợp thí sinh sử dụng kết quả bài thi để xét tuyển đại học cần tìm hiểu thông tin trong Đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, tham khảo bài thi mẫu trước khi đăng ký dự thi.
Trước đó, tại hội thảo giáo dục đại học năm 2020, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết phương thức xét tuyển đại học sẽ giữ ổn định tới năm 2025. Trong đó, các trường vẫn tuyển sinh chủ yếu dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm qua, với những cải tiến chủ yếu về mặt kỹ thuật như ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận tiện hơn cho thí sinh và nhà trường.
Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh các trường cần tăng cường tự chủ trong tuyển sinh. Với những đại học muốn tuyển chọn thí sinh có năng lực chuyên biệt, Bộ khuyến khích có thể thống nhất kết hợp thành nhóm, tổ chức bài thi đánh giá năng lực gọn nhẹ, kết quả được sử dụng cho công tác tuyển sinh của nhiều trường.