Thời điểm hiện tại, tinh thần chung của toàn ngành giáo dục là đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện thông tư, quyết tâm loại bỏ tình trạng DTHT tràn lan, tiêu cực.
Tác động sâu rộng toàn xã hội
Có thể nói, rất hiếm khi có một thông tư mà ngay khi vừa ra đời đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân đến vậy. Ngay khi Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Thông tư 29, dư luận, phụ huynh, giáo viên, học sinh và các nhà trường đã nắm rất rõ các quy định và điểm mới cơ bản tại thông tư; đặc biệt là những trường hợp được phép/không được phép và các điều kiện DTHD.
Cụ thể, Thông tư 29 quy định không DTHT đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Việc DTHT trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: học sinh có phẩm chất năng lực xếp loại chưa đạt; học sinh giỏi và học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi.
Đối với DTHT ngoài nhà trường, thông tư mới quy định: tổ chức cá nhân tổ chức DTHT có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp…
Giờ ôn tập của học sinh Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện, Bộ GD&ĐT không cấm, không siết. Tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm thì phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời gian làm việc, an toàn, an ninh...
Thông tư 29 ra đời thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, trong đó nhiều quy định không hề mới nhưng đã thể hiện rõ tinh thần quyết liệt của cơ quan quản lý cũng như sự thống nhất trong công tác chỉ đạo thực hiện; hướng đến mục tiêu cao nhất là loại bỏ tình trạng DTHT tiêu cực, tiến tới các trường học không có DTHT. Thay vào đó, sau giờ học, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…nhằm phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội...
Nhà giáo Vũ Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thị, huyện Gia Lâm, bày tỏ: “Ngay từ khi còn ở bản dự thảo, giáo viên, phụ huynh, học sinh nhà trường đã tìm hiểu rất rõ các quy định của thông tư. Đến khi văn bản được chính thức ban hành, Hội đồng giáo dục nhà trường đã họp, thông qua; đồng thời trao đổi, thông tin với phụ huynh ngay từ buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1.
Do vậy, mọi nội dung của thông tư được mọi người nắm rõ từng chi tiết. Để tránh việc xảy ra vi phạm, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên phải cam kết việc không dạy thêm trái quy định của thông tư”.
Có cháu đang học tiểu học, ông Vũ Văn Hải, trú tại quận Thanh Xuân phấn khởi khi Thông tư 29 có hiệu lực. “Cháu mới học lớp 3 mà tôi thấy đi học thêm buổi tối gần như kín lịch. Tôi rất xót cháu nhưng bố mẹ cháu lại bảo giờ xu thế chung là vậy, không học không theo kịp chương trình và các bạn. Nay thấy quy định không tổ chức học thêm với học sinh tiểu học, tôi lấy làm mừng và cho rằng, việc này sẽ giúp các cháu giảm áp lực học thêm, còn bố mẹ cháu cũng được giảm áp lực kinh tế”, ông Vũ Văn Hải cho hay.
Hiểu đúng sẽ thực hiện đúng
Thông tư 29 có hiệu lực, bước đầu gây xáo trộn kế hoạch giáo dục của đa số nhà trường cũng như lịch học của học sinh, lịch đưa đón con của phụ huynh. Đơn cử, với cấp 1, các trường học đồng loạt dừng các tiết CLB về văn hóa có thu phí; trong đó có trường chuyển từ hoạt động DTHT sang trông giữ sau giờ nếu phụ huynh có nhu cầu. Với cấp 2 tạm thời không tổ chức dịch vụ bán trú, học sinh ra về những buổi không có chương trình học buổi chiều.
Riêng lớp 9, lớp 12 là đối tượng thuộc nhóm được học thêm miễn phí thì chờ các trường lên kế hoạch và khảo sát nguyện vọng, sau đó cho đăng ký, mở lớp ôn tập theo nhu cầu của học sinh với thời lượng mỗi môn không quá 2 tiết/tuần.
Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên tâm tư, kiến nghị về việc ôn luyện cho học sinh cuối cấp có thu phí được không, vì phụ huynh sẵn sàng trả kinh phí (ở mức hợp lý) để con học tốt; việc chi trả cho thầy cô cũng ổn định, bền vững, mang tính chất khích lệ nhiều hơn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: các trường phổ thông hiện nay áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh.
Bộ GD&ĐT cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục bảo đảm hiệu quả và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã bảo đảm lượng kiến thức cho học sinh, đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Không có lý gì thầy cô là công chức viên chức, hưởng lương của Nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của Nhà nước lại thu tiền của học sinh trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều câu hỏi được đưa ra liên quan đến hoạt động DTHT, như: nếu dạy nhóm dưới 5 học sinh tại nhà, có phải đăng ký kinh doanh không? Nếu học sinh trong lớp thiết tha nhờ cô kèm cặp thì cô có được nhận không? Cô giáo dạy ở trung tâm nhưng học sinh lớp mình đăng ký học, chẳng lẽ từ chối? Có được dạy thêm theo hình thức online với học sinh tiểu học và dạy online không đăng ký được không?....
Trả lời những thắc mắc tương tự, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định: Thông tư 29 đã nêu rất rõ quan điểm: trong nhà trường chỉ dạy thêm 3 đối tượng không thu phí (chưa đạt, học sinh giỏi, học sinh cuối cấp); giáo viên công lập không được đứng tên mở trung tâm; giáo viên được phép mở trung tâm dạy thêm nhưng phải xin phép, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh mình dạy lớp chính khóa, không dạy thêm với học sinh tiểu học (trừ các môn nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống…).
Như vậy, các trường hợp nêu trên sẽ thuộc các trường hợp: phải đăng ký kinh doanh và không được phép. Đại diện Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh: bộ không cấm DTHT chính đáng nhưng đã DTHT thì phải thực hiện đúng quy định.
Thời điểm hiện tại, Hà Nội và nhiều địa phương cả nước đã ban hành văn bản hướng dẫn về DTHT. Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện thông tư; các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên nếu thấy vướng mắc gì thì phản ánh về Sở GD&ĐT; sở làm đầu mối tổng hợp ý kiến chuyển về Bộ; Bộ sẽ lắng nghe, khảo sát, đánh giá và sẵn sàng điều chỉnh nếu thấy bất cập.