Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, ông Bế Đoàn Trọng, cho biết, ngày 12/1, tỉnh có hơn 22.000 học sinh ở 38 trường phải nghỉ học do nhiệt độ xuống thấp. Đến nay, một số trường đã cho học sinh nghỉ học 2-4 buổi, vì thế khi thời tiết ấm lên, Sở yêu cầu các trường có kế hoạch dạy bù để đảm bảo chương trình.
HS Trường PTDTBT THCS Sủng Trái xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn – Hà Giang) học tại phòng. Ảnh: NTCC
Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên thông tin, do nhiệt độ xuống thấp, nhiều nơi băng giá, nên khoảng 130 trường học ở 5 huyện với gần 55.000 học sinh đóng cửa. Huyện Điện Biên có 51 trường cho toàn bộ học sinh nghỉ học; huyện Tủa Chùa cho học sinh 37 trường nghỉ học; huyện Tuần Giáo cho học sinh 32 trường nghỉ học, huyện Tuần Giáo cho học sinh 13 trường nghỉ học.
Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, ông Đoàn Trần Hiệp, nói: “Tính đến thời điểm này, khối THPT không có trường nào nghỉ. Riêng các trường đã cho học sinh nghỉ học, các Phòng GD&ĐT được giao quyền chủ động về kế hoạch cho học sinh nghỉ cũng như có kế hoạch dạy bù để đảm bảo kế hoạch năm học”.
Tính đến ngày 12/1, tỉnh Yên Bái có 256 trường với hơn 98.000 trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS nghỉ học tránh rét. Nhiều địa phương khác như Hà Tĩnh, Hà Nội…cũng giao quyền cho các trường có giải pháp chống rét cho học sinh, đồng thời linh hoạt trong kế hoạch dạy học.
Thầy Dương Xuân Chính – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Pa (huyện Sa Pa – Lào Cai) trao đổi: Đợt rét đầu tiên nhà trường chưa phải cho HS nghỉ học buổi nào. Tỉ lệ chuyên cần vẫn duy trì ở mức 98%. Nhà trường yêu cầu GV tăng cường các hoạt động khởi động, bài học dưới dạng chơi trò vận động để làm tăng thân nhiệt HS. Mặt khác kết hợp sử dụng lò sưởi điện, nhắc nhở GV, phụ huynh mặc quần áo ấm cho con.
Trong đợt lạnh thứ 2, nhà trường đã cho HS nghỉ 1 buổi khi nhiệt độ buổi sáng báo dưới 4 độ C, đồng thời chỉ đạo GV dạy bù theo hình thức trực tuyến vào thứ 7 hoặc Chủ nhật.
Theo thầy Dương Xuân Chính, nếu HS phải nghỉ vì lạnh trong khoảng thời gian dài hơi (1 tuần), nhà trường đã sẵn sàng lên kế hoạch 2 phương án dạy học để bảo đảm chương trình.
Phương án 1 là dạy học trực tuyến. Trong dịch Covid-19, trên 90% HS học trực tuyến bởi phần lớn các em ở trung tâm thị xã, gia đình có điều kiện. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến sẽ triển khai vào buổi tối khi bố mẹ ở nhà để HS có điện thoại, đồng thời có thể hỗ trợ GV kèm cặp HS. Phương án 2: Sau khi thời tiết ấm lên, nhà trường sẽ dạy bù chương trình vào các tiết tăng cường (Cụ thể, lớp 1 có 25 tiết/tuần theo thông tư 32 mới. Nhưng dạy học 2buổi/ngày sẽ có 32 tiết. Vậy 7 tiết tăng cường sẽ được tận dụng để dạy bù chương trình HS đã nghỉ)…
Theo thầy Nguyễn Tiến Công - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà – Lào Cai), HS chưa phải nghỉ buổi học nào song mùa đồng còn dài và thời tiết sẽ có nhiều ngày rét đậm, rét hại. Trong trường hợp số ngày nghỉ rét của HS từ 2 - 3 tuần, nhà trường hoàn toàn có thể dạy bù đủ chương trình cho HS tới cuối tháng 5/2021.
Bà Đinh Thị Thoan – Chuyên viên Phòng GD&ĐT Bát Xát (huyện Bát Xát – Lào Cai) thông tin: Trên địa bàn huyện, nhiệt độ xuống sâu vào sáng sớm, tối và đêm, ban ngày nhiệt độ tăng lên, chính vì vậy hầu hết các trường điều chỉnh hoạt động dạy học phù hợp. Ban ngày GV và HS lên lớp dạy học bình thường, buổi tối thay vì HS lên phòng học chung, nhà trường cho mang sách về phòng ở tự học. Như vậy, HS không bị lạnh mà vẫn bảo đảm học tập trên lớp và ôn bài sau giờ học.
Ông Lê Trung Thành – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ (Hà Giang) cũng cho biết: Phòng đã để “mở” cho hiệu trưởng quyền quyết định đề xuất HS nghỉ học toàn trường hay theo từng khu vực, từng điểm trường cho phù hợp với mức độ ảnh hưởng của thời tiết và điều kiện về cơ sở vật của nhà trường. Đồng thời có phương án bố trí học bù để thực hiện kế hoạch thời gian năm học. Tuy nhiên, nghiêm cấm các trường dạy dồn tiết hoặc cắt xén chương trình. Có kế hoạch thay đổi thời gian học tập mùa đông cho phù hợp theo quy định.
Đối với những trường MN, TH, THCS hoặc điểm trường lẻ xa trung tâm, việc đến trường của HS trong ngày giá rét theo thời gian quy định gặp khó khăn, hiệu trưởng các trường được chủ động quyết định thời gian bắt đầu vào học muộn hơn nhưng vẫn phải đủ thời gian học theo đúng quy định chương trình của Bộ GD&ĐT.