Đoạn clip do một người tự nhận là sinh viên Trường đại học (ĐH) Công nghệ TP Hồ Chí Minh đăng tải. Clip ghi lại hình ảnh cô giáo vừa hát vừa nhảy vũ điệu “sexy” cho sinh viên xem.
Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, đoạn clip đã thu hút hơn 1.200 bình luận, 3.500 lượt bày tỏ cảm xúc và hơn 100 lượt chia sẻ. Đồng thời, nhiều trang tin mạng cũng đăng tải vụ việc, với bình luận lên án cô giáo trong clip.
Có thể thấy, trong môi trường sư phạm, trong giờ học (ở đây là tiết học cuối cùng của môn tiếng Anh 3), và trong bộ áo dài truyền thống, điệu nhảy “sexy” của cô giáo có phần không đúng so với chuẩn mực, tác phong sư phạm truyền thống.
Ảnh chụp từ cô giáo nhảy "sexy" được lan truyền trên mạng.
Trong đoạn video 36 giây, người xem có thể nghe thấy những lời khen, động viên từ phía sinh viên bên dưới như “dễ thương quá cô ơi”, “nhảy lại đi cô”, cùng tiếng vui cười và vỗ tay hoan nghênh. Trên thực tế, ngoài cuộc sống, các sinh viên cũng phải 19-20 tuổi và với cô giáo trẻ chỉ tầm chưa đến 30 tuổi, giữa cô - trò có thể có mối quan hệ thân thiết như bạn bè đồng trang lứa.
Trong rất nhiều bình luận bên dưới của học sinh, sinh viên, hầu như không ai lên án hành động của cô giáo, mà chỉ bày tỏ sự lo ngại cho cô, hình ảnh nhà trường, đồng thời lên án người đăng clip khi cho rằng đây là một đoạn video mang tính cá nhân.
Hành động này của cô giáo cũng gây không ít tranh cãi.
Ở chương trình đại học, tiếng Anh là một trong những môn khó. Khó với sinh viên, và khó với cả giảng viên. Việc rút ngắn khoảng cách thầy - trò bằng sự trao đổi thân tình, gần gũi có thể làm cho giờ học bớt căng thẳng. Tuy nhiên, đôi khi sự gần gũi lại trở nên không đúng mực, làm méo mó hình ảnh sư phạm truyền thống, đặc biệt là ở các nước Á Đông.
Mới đây tại Nhật Bản, trên nhiều diễn đàn mạng cũng nổi lên cuộc tranh luận về việc một giáo viên bản ngữ trợ giảng môn tiếng Anh bị buộc phải tháo đôi bông tai ngay trong lớp học, vì nhà trường cho rằng học sinh có thể bắt chước, đua đòi theo cô.
Tại một bài đăng trên Twitter, cô giáo giải thích, trong văn hóa của dân tộc cô, chiếc vòng hoa tai được đeo từ khi còn nhỏ để chống lại sự phân biệt chủng tộc, đảm nhiệm vai trò biểu tượng của sức mạnh và lòng tự tôn. Cô còn nói thêm: "Học ngoại ngữ là để hiểu biết về văn hóa của một quốc gia khác, điều đó không đúng hay sao?”
Có thể đâu đó vẫn còn những người thầy gần gũi, thân thiện với học trò như cô giáo trong đoạn clip. Nhưng nếu cô giáo này bị lên án, thậm chí bị kỷ luật về những hành động của mình, liệu sẽ còn những tiếng cười vui trên giảng đường? Việc tạo niềm vui trên bục giảng như thế nào để không vượt ngoài chuẩn mực sư phạm, phù hợp hoàn cảnh cũng là nghệ thuật của người thầy.
Giảng đường vẫn là nơi người đứng lớp cần đặt ra ranh giới giữa việc cập nhật văn hóa mới, tạo sự gần gũi với sinh viên nhưng vẫn phải giữ hình tượng và tác phong sư phạm.