Năm nay, ở lần thứ 16 tổ chức, Cánh Diều tiếp tục bị nhận xét chưa phản ánh toàn diện bộ mặt điện ảnh quốc gia. Ban tổ chức đã mời tất cả phim góp mặt nhưng nhiều đơn vị không dự. Trong 13 phim điện ảnh ở mùa này, 12 phim ra mắt năm 2017 (trừ Ở đây có nắng chiếu đầu năm 2018). Đây là con số quá nhỏ so với 38 phim Việt phát hành năm qua. Nhiều tác phẩm được đánh giá cao, có ý nghĩa nhân văn như Lô tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) hay Khi con là nhà (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) đều từ chối tham gia.
Khi con là nhà của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từ chối tham gia giải Cánh diều vàng. |
Việc giới làm phim từ chối cơ hội tranh tài phần nào phản ánh sự khác biệt trong cách nhìn nhận về tác phẩm giữa họ và ban tổ chức. Ban giám khảo Cánh Diều hay bị báo chí nhận định là lớn tuổi, ít trẻ hóa đội ngũ. Thành viên giám khảo vốn là các nhà chuyên môn có kinh nghiệm, chủ yếu hoạt động trong dòng phim nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, Ban tổ chức đã gọi điện mời nhiều đạo diễn, nhà sản xuất cả nhà nước lẫn tư nhân nhưng họ từ chối, có người nói rằng phim của họ chỉ là phim thương mại, để chiếu rạp bán vé, chưa đủ điều kiện để tham gia tranh giải. Có người chỉ dự thi khi tự tin phim của mình có khả năng đoạt giải.
Đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, có nhiều lý do các nhà sản xuất, đạo diễn e dè khi tham dự giải. Có thể họ chưa tự tin vào khả năng giành giải của phim. Cũng có thể họ sợ rằng nếu phim không giành được giải thì khả năng thu hút khán giả ngoài rạp không cao.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn một trong những thực tế rằng, sau một vài năm tổ chức có nhiều sạn, phim thảm họa “đổ bộ” giải Cánh diều, thì uy tín và chất lượng của giải khó có thể cao được. Đó cũng có thể là một trong những lý do mà nhiều đạo diễn, nhà sản xuất quay lưng lại với giải. Để khắc phục được điều này, không còn cách nào khác là phải tự nâng cao chất lượng và uy tín của giải thưởng.
Nhưng dường như số lượng phim ít ỏi năm nay lại có vẻ tỷ lệ thuận với chất lượng phim, theo nhận xét của chính những người tham gia chấm giải ở thể loại phim truyện điện ảnh.
Không chỉ “vất vả” thuyết phục nhà sản xuất tham gia giải thưởng, ngay việc mời được đội ngũ nghệ sĩ như mong muốn để ngồi làm giám khảo phim cũng không kém khó khăn. Nếu như nhiều năm về trước, nghệ sĩ được chọn ngồi vào vị trí này là một vinh dự thì năm nay, ban tổ chức phải “dỗ ngọt” mới mời được đủ thành phần nghệ sĩ và cũng chỉ mời được các nghệ sĩ đã lớn tuổi. Có những người đã không còn tham gia làm phim nhiều năm. Điều này không khỏi khiến nhiều người băn khoăn về quan điểm, đánh giá tác phẩm của giám khảo khó theo kịp xu hướng, kỹ thuật, công nghệ làm phim của người trẻ.
Ngược lại, người làm phim còn trẻ lại không mặn mà, thậm chí từ chối khi được mời làm giám khảo với các lý do bận sáng tác. Cũng vì đang tham gia hoạt động làm phim, đang cùng làm nghề với nhau nên rất ngại quyết định phim này hay phim khác đoạt giải hay không đoạt giải...
Trao đổi quanh câu chuyện nói trên, ông Đinh Trọng Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh cũng cho rằng, bản thân ban tổ chức luôn mong muốn có người trẻ tham gia ban giám khảo. Ai cũng hiểu tuổi nào làm phim cần có giám khảo tương ứng với tuổi đó. Nhưng, thực tế là hầu hết bạn trẻ đều bận liên tục, không làm phim thì làm cái khác. Vì vậy, mời được 1 giám khảo trẻ rất khó khăn. Không chỉ giải thưởng Cánh Diều, ngày cả giải phim quốc gia cũng gặp tình trạng tương tự.