Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: Bộ vừa ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy định về Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Theo đó, chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo đại học (ĐH) và chương trình đào tạo (CTĐT) chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: Người học phải tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trình độ tương đương.
Chuẩn đầu vào của CTĐT thạc sĩ: Người học phải tốt nghiệp ĐH (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, người học phải tốt nghiệp ĐH hạng khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập.
Chuẩn đầu vào của CTĐT tiến sĩ: Người học phải tốt nghiệp thạc sĩ hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 ngành phù hợp hoặc tốt nghiệp hạng giỏi trình độ ĐH (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; có trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc trình độ tương đương trở lên); có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu.
Thông tư cũng quy định khối lượng học tập như với CTĐT ĐH có 2 mức.
120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành;
CTĐT chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.
CTĐT thạc sĩ: 60 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành;
CTĐT tiến sĩ: 90 tín chỉ với người có trình độ thạc sĩ, 120 tín chỉ với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 7/8/2021
Theo Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH), Bộ GD-ĐT, thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học này là căn cứ để Bộ GD-ĐT ban hành các quy định về mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, liên thông trong đào tạo, các tiêu chuẩn đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo.
Đây cũng là căn cứ để các sơ sở GDĐH xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo, xây dựng các quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận và chuyển đổi tín chỉ cho người học, công nhận chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo khác; thực hiện trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về chương trình đào tạo và bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo, các bên liên quan và toàn xã hội giám sát hoạt động và kết quả đào tạo của cơ sở đào tạo.
"Thông tư này cũng là cơ sở để xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành của từng lĩnh vực đối với từng trình độ. Với tiếp cận quản lý chất lượng đầu ra, thông tư này được xem như một công cụ quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo"- lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh.