Mấy tuần nay, không khác gì Đồng Nai, 20 hécta chuối của 6 hộ dân tại ấp Đông Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, Tây Ninh đã chín rộ. Mỗi ngày, chỉ riêng 6 hộ này có thể cung ứng hơn 10 tấn chuối nhưng lại không có đầu ra vì thương lái đang chào mua giá rất thấp.
“Thương lái vô lựa mà đòi mua chỉ 2.000 đồng mỗi ký. Giờ bán giá 2.000 thì chúng tôi muốn khóc thiệt luôn. Ngày nào cũng có thương lái đến. Họ cứ vô vườn xem rồi chê, rồi trả giá đó xong về. Hết người này đến người kia”, anh Đinh Hoài Nam – người có 2 hécta chuối đang chín lo lắng.
Giá chuối tại Tây Ninh xuống thấp cũng cùng một nguyên nhân với Đồng Nai, do thị trường Trung Quốc ngưng mua. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, tỉnh này có trên 370 hécta trồng chuối xuất khẩu. Trong đó, gần 190 hecta trồng tự phát và không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tình hình này làm cung vượt cầu. Đó là chưa kể, một số nông dân phản ánh, có một doanh nghiệp đã cung ứng giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng giờ cũng đột ngột “biến mất.”
Xe thu mua chuối của một doanh nghiệp tham gia phong trào "cứu chuối" gần đây. |
Anh Phạm Công Chính – chủ một doanh nghiệp nông sản đã nhận mua chuối tại Đồng Nai để mang về TP HCM bán lại giúp nông dân cho hay, đã có 4 nhà vườn tại Tây Ninh chủ động liên hệ anh để bán chuối với giá 4.000 đồng mỗi kg. “Một số nông dân Tây Ninh cho hay họ đang bị ép giá. Thương lái vô mua trả cao nhất là 3.000 đồng mỗi ký nhưng là mua lựa, chặt hết các nải nhỏ, mỗi buồng chỉ lấy vài nải thôi”, anh Chính cho hay.
Sau khi một số cá nhân, doanh nghiệp và đoàn thể tham gia phong trào thu mua chuối hỗ trợ nông dân, giá chuối tại Đồng Nai hiện đã thoát khỏi mức đáy, từ 1.500 đồng một kg nay đã lên 6.400 đồng. Tuy nhiên, so với mức đỉnh 15.000 đồng mỗi kg hồi đầu 2016 thì mức giá này cũng chỉ là mới “thoát hiểm”.
Trước đó, với 1.700 hecta chuối cấy mô, tập trung ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, tháng qua, hàng loạt hội nông dân xã có đông hộ trồng chuối phải “kêu cứu” vì thị trường Trung Quốc ngưng mua. Từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3, trung bình mỗi xã có từ 2 đến 5 tấn chuối cần được tiêu thụ mỗi tuần, nếu không phải bỏ vì chín rục. Về dài hạn, một số nông dân tại Đồng Nai lẫn Tây Ninh cũng chưa có kế hoạch cụ thể gì dài hạn để ổn định giá chuối.
“Có vườn diện tích nhỏ người ta phá bỏ rồi. Tâm lý chung của chúng tôi bây giờ là chưa biết có nên phá hay không, hay làm gì. Chưa có ai tư vấn cho vấn đề này cả”, anh Nam nói.