Nhộng rang lá chanh
Nhộng mang hương vị đậm đà khi được chế biến với hương lá chanh nồng nàn, tạo sự kích thích về khứu giác và vị giác
Nguyên liệu: Với 300g nhộng, lá chanh Bắc: 7 lá, hành tím băm, hành lá, tiêu, muối, đường, nước mắm, bột ngọt, Mayonnaise
Cách làm: Nhộng rửa sạch, chần sơ, để ráo; Lá chanh rửa sạch, để ráo, cắt thật nhuyễn. Hành lá cắt nhỏ. Rang thơm hành tím, cho nhộng vào rang, nêm ½ thìa bột ngọt, 1 ít muối, 1/3 thìa tiêu, ½ thìa đường, 1 thìa nước mắm, cho hành lá vào, tiếp tục cho 2 thìa xốt mayonnaise vào xóc đều, tắt bếp. Thêm lá chanh vào trộn đều.
Nhộng tằm chiên xù
Nhộng ngon, giàu chất đạm, giá trị dinh dưỡng gấp 2 lần thịt, 4 lần so với trứng, 10 lần so với sữa. Nhộng giúp bồi bổ gan, thận, là món ăn tốt cho đàn ông
Nguyên liệu: 500g nhộng, 1 gói bột cà ri, 2 quả trứng gà, 1 thìa súp xốt tương cà chua, 100g bột rán xù, 1 thìa cà phê hạt nêm, 50g rau cải xanh, Rau mùi, Dầu ăn.
Cách làm: Nhộng rửa sạch, vớt để ráo. Đập trứng vào tô, cho hạt nêm, cà ri vào rồi đánh tan đều. Nhúng nhộng vào trứng, lăn qua bột xù rồi thả vào chảo dầu chiên vàng, giòn. Nhộng chín cho vào lá cải xanh, quấn lại. Dùng kèm với tương cà chua. Khi bày ra đĩa trang trí với rau mùi thêm hấp dẫn.
Nhộng tằm xào lá lốt
Nhộng tằm xào lá lốt vừa béo vừa thơmHương vị bùi, béo của nhộng tằm hòa trong cái hương thơm thanh mát của lá lốt mang đến cho bạn món ăn ngon miệng trong ngày nắng nóng.
Nhộng tằm là nguyên liệu chính chế biến nên nhiều món xào ngon miệng. Ảnh: D.H.
Cách làm: Nhộng tằm mua về rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng trong khoảng 5 phút, sau đó vớt ra và để ráo nước. Sau đó cho nhộng vào ướp thố, ướp với một tí gia vị như muối, nước mắm, hạt nêm, đường trong khoảng 15 phút cho thấm gia vị. Lá lốt chọn lá tươi, non, rửa sạch, thái nhỏ.
Phi thơm dầu phộng với hành băm rồi cho nhộng vào xào nhanh tay, xào cho nhộng săn lại. Cho tiếp lá lốt vào đảo đều trong khoảng hai phút để món ăn dậy mùi thơm. Cần đảo nhẹ tay để không làm nhộng bị dập. Nêm lại gia vị cho vừa ăn, rắc lên ít tiêu bột rồi tắt bếp.
Nhộng xào lá lốt có vị béo, bùi của nhộng quyện cùng vị tươi non và hương thơm thoang thoảng của lá lốt, ăn kèm cơm nóng rất ngon và lạ miệng. Ngoài ra, đây còn lá món lai rai rất lý tưởng khi kèm thêm vài cái bánh tráng nướng.
Nhộng trộn xoài xanh
Nguyên liệu: 200g nhộng, 1 quả xoài xanh, 1 củ cà-rốt, rau thơm, 100g lạc rang. 2 thìa súp đường, 1 thìa súp nước mắm, 1 thìa cà-phê hạt nêm, 1/2 thìa cà-phê tỏi xay, 1/2 thìa cà-phê ớt xay, dầu ăn.
Cách làm: Nhộng rửa sạch, vớt ra để ráo. Xoài xanh gọt vỏ, bào từng lát mỏng, dùng dao răng cưa thái sợi để có hình dáng đẹp mắt. Cà-rốt bào vỏ, thái sợi tương tự xoài, chần sơ qua nước sôi.
Bắc chảo lên bếp, đun nóng 1 thìa súp dầu ăn, phi thơm tỏi xay, cho nhộng vào, nêm hạt nêm vừa ăn, rang đến khi nhộng khô lại là được.
Hòa tan các nguyên liệu làm nước trộn. Cho xoài xanh, cà-rốt và rau thơm thái nhỏ vào thố, rưới nước trộn vào, trộn đều.
Cho nhộng xào ra đĩa. Có thể trộn chung với gỏi xoài xanh, cà-rốt khi ăn hoặc dọn riêng, rắc lạc rang. Dùng làm món khai vị. Để món ăn ngon hơn, bạn không nên rang nhộng quá giòn.
Nhộng Xào Ngô
Lót xà lách vào bát, cho nhộng lên, dùng nóng với cơm. Ảnh: Internet
Nguyên liệu: 100gr nhộng, 150gr hạt ngô (bắp), 2 củ hành tím, hành lá, 1 thìa súp tỏi xay, bột nêm, đường, tương ớt.
Cách làm: Rửa sạch nhộng qua nước nóng, để thật ráo nước. Luộc chín hạt ngô, vớt ra để ráo. Thái hành tím thành múi cau cỡ vừa. Rửa hành lá, cắt khúc ngắn. Đun nóng dầu, phi thơm tỏi và hành củ, cho nhộng vào xào. Đảo hỗn hợp trong 5 phút, cho ngô vào xào cùng. Tiếp tục đảo ngô thêm 5 phút, nêm gia vị vừa ăn, rắc hành lá vào.
Lưu ý khi mua và chế biến nhộng tằm Dễ gây ngộ độc: Trong nhộng tằm có chứa nhiều protein (đạm), không thể bảo quản được lâu, dễ bị ôi thiu. Một khi nhộng tằm không được bảo quản tốt, chất đạm sẽ bị phân hủy không còn giá trị dinh dưỡng nữa, mà trở thành chất độc gây hại cho cơ thể. Khi mua nhộng và chế biến: Mua nhộng còn tươi, không để lâu và có nguồn gốc rõ ràng. Chọn nhộng tằm có màu vàng ươm, thịt trắng ngà, các đốt trên thân không bị rời ra, còn nhộng tằm để lâu thường chuyển màu sang vàng nhạt, thâm đen, các đốt trên thân rời rạc, không dính chắc vào nhau. Không nên chọn loại nhộng tằm có kích thước quá to, vì rất có thể chúng đã bị tẩm các chất hóa học để trông căng tròn, bắt mắt. Nên chế biến, nấu chín ngay trong ngày hoặc bảo quản trong nhiệt độ từ 0 - 5oC. Những người có cơ địa hay dị ứng không nên ăn nhộng tằm vì trong chúng cũng chứa một số histamin dễ gây mẩn ngứa. Ăn nhộng tằm khoảng 2-3 bữa/tháng là đủ./. |