Ùn tắc trên đường không thu phí đậu ô tô
Tại TPHCM có nhiều tuyến đường gắn biển “Không thu phí đậu ô tô”, việc này tạo thuận lợi cho cư dân ở đây và khách vãng lai có thể đậu ô tô ngay trên lòng lề đường, giải quyết được phần nào tình trạng thiếu chỗ đậu ô tô ở khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, giao thông ở những con đường không thu phí đậu ô tô càng rối hơn.
Tiêu biểu là đường Tú Xương (quận 3), đoạn từ đường Trương Định đến Cách Mạng Tháng Tám. Một bác xe ôm chuyên đứng đón khách tại đây, kể: “Đoạn đường này có trường quốc tế, nhà trẻ tư nhân, lại thêm giáp với Bệnh viện Mắt, nên lưu lượng xe rất đông. Sáng, trưa hay chiều đều ùn tắc, nhất là giờ tan học thì ô tô đưa đón học sinh đậu đầy đường. Thời gian gần đây, phường gắn biển không thu phí đậu ô tô, tài xế ô tô các nơi đổ về đây đậu, lại càng ùn tắc dữ hơn”.
Anh Huấn, tài xế ô tô mang biển số 77 (tỉnh Bình Định) đang đậu xe trên vỉa hè đường Tú Xương (góc Tú Xương - Nguyễn Thông) cho biết: “Tôi đưa khách từ Quy Nhơn vào khám mắt tại Bệnh viện Mắt. Chở khách đến đây có nơi đậu xe là vỉa hè rộng rãi, lại không tốn tiền, chỉ có điều phải đến sớm để có chỗ đậu, bằng không là phải chạy loanh quanh, chờ xe nào ra là tấp vào liền”.
Thực ra chuyện thuận tiện của anh, lại là nỗi khổ của nhiều người, bởi lẽ toàn bộ vỉa hè đường Tú Xương không còn dành cho người đi bộ. Người đi bộ đều phải đi xuống lòng đường, thậm chí khi kẹt xe thì khó đi bộ len được giữa dòng xe cộ được.
Anh tài xế chiếc Kia Morning đậu trên đường Thái Văn Lung cho biết: “Ở đây đậu xe thoải mái, không tốn tiền”. Để có sự “thoải mái” đó, đường Thái Văn Lung bị 2 hàng ô tô đậu kín 2 bên, khiến lòng đường bị thu hẹp lại như con hẻm, các phương tiện giao thông khác rất vất vả khi qua đây và nạn kẹt xe trước Bệnh viện Nhi đồng 2 xảy ra thường xuyên. Các con đường Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân… cũng có tình cảnh tương tự.
Giá đậu ô tô rẻ hơn phí gửi xe máy
Anh Huy, nhân viên Đội Trật tự đô thị quận 1, phụ trách thu phí trên đường Huyền Trân Công Chúa, chìa ra xấp phiếu thu, cho hay: “Giá thu phí đậu ô tô trên đường Huyền Trân Công Chúa hiện nay chỉ có 5.000 đồng/lượt. Tụi tôi trực thu từ 7 giờ đến 17 giờ là nghỉ, sau đó thu tiếp từ 19 giờ đến 22 giờ. Đậu ô tô từ sáng đến chiều chỉ có 5.000 đồng thì rẻ kinh khủng, còn rẻ hơn phí gửi một xe máy.
Trước đây, trên địa bàn quận 1 có 36 tuyến đường thu phí đậu ô tô, nhưng nay chỉ còn 12 tuyến đường có thu phí, còn lại là miễn phí. Có một thực tế là có những tuyến đường trước đây thu phí, sau này Nhà nước không thu thì tư nhân tự nhảy ra thu, tôi không hiểu vì sao như vậy”.
Thật vậy, nhiều người trong cánh tài xế cho biết: “Xe muốn đậu tại đường Mạc Thị Bưởi đều phải trả tiền cho cánh bảo vệ tại các nhà hàng, cửa hiệu… trên con đường này. Thậm chí, họ còn chia ô, chia đoạn thành “lãnh địa” riêng, bất thành văn, mỗi nhóm giữ một đoạn đường để thu, không ai phạm đến ai, giá trung bình là 30.000 đồng/xe, có chuyện gì xảy ra hay khi bị công an kiểm thì… tài xế tự lo”.
Ở quận 1, ngoài 12 tuyến đường có thu phí, còn lại là các tuyến đường cấm đậu theo giờ, theo ngày chẵn - lẻ hoặc cấm đậu 24/24 giờ. Tuy nhiên, do không có chỗ đậu ô tô nên hiện nay xuất hiện một thực tế ngược đời: đường cấm đậu lại thành nơi đậu ô tô. Đường Nguyễn Du cấm đậu ô tô nhưng xe đậu chật kín thành hàng rồng rắn. Đường Đông Du cho đậu ngày chẵn, nhưng ô tô vẫn đậu luôn ngày lẻ. Đường Tôn Thất Tùng ô tô đậu triền miên… Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở các quận 3, 5, Bình Thạnh, Phú Nhuận… Không có chỗ đậu thì tài xế cũng phải đậu bừa thôi, phạt thì chịu, nhưng cũng hiếm khi có ai phạt, xui lắm mới bị phạt.
Hà Nội vừa triển khai thu phí đậu ô tô với mức giá mới. Không thể chiếm dụng lòng lề đường làm nơi đậu xe miễn phí, đẩy người đi bộ phải đi ra giữa lòng đường. Quy tắc quản lý đậu xe cũng phải như thế giới, đậu bao nhiêu thời gian thì phải trả bấy nhiêu tiền.