Đơn vị tư vấn khẳng định sẽ giảm kẹt xe, lại có tiền
Nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố và tăng nguồn thu cho công tác bảo trì đường bộ trong cuộc hội thảo phản biện thu phí xe ô tô lưu thông trung tâm TP Hồ Chí Minh. Ông Vũ Văn Tuấn, đại diện Công ty CP công nghệ Tiên Phong đã trình bày chi tiết về hệ thống thu phí tự động bao quanh khu vực trung tâm.
“Cụ thể, hệ thống này gồm 34 cổng thu phí, 1 trung tâm điều hành kết nối các cổng thu phí. Khi xe đi qua cổng thu phí, hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản và thông báo tin nhắn cho tài xế. Đối với xe vãng lai, có thể trả phí cho từng lần đi vào trung tâm TP thông qua việc mua thẻ cào tại các điểm dịch vụ trên hoặc thanh toán online trước khi tiến hành chuyến đi”, ông Tuấn cho hay.
Đơn vị tư vấn đề xuất mức từ 30.000 – 50.000 đồng/xe/lượt vào trung tâm thành phố. |
Về mức phí, đơn vị tư vấn đề xuất mức từ 30.000 – 50.000 đồng/xe/lượt. Cụ thể, 30.000 đồng cho taxi; 40.000 đồng đối với ô tô con, xe vận chuyển khách hợp đồng dưới 9 chỗ; 50.000 đồng đối với xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ cố định và xe vận chuyển khách du lịch. Các xe ô tô cá nhân có biển số đăng ký tại khu vực trung tâm thành phố sẽ áp dụng mức phí thấp hơn 25% mức phí xe taxi. Dự kiến sẽ bắt đầu thu phí từ năm 2020.
Đối với đề án trên, có ý kiến cho rằng, thành phố đang xây rào chắn đi vào nội đô. Đơn vị tư vấn cho rằng, điều đó không đúng. Theo đó, điểm thu phí xe ô tô vào trung tâm thành phố không phải là “lô cốt” trên đường. Đó chỉ là những giá long môn băng qua đường giống như các trụ giao thông và hệ thống điện tử đo đếm số lượng xe lưu thông trên đường nên không gây ra tình trạng ùn tắc.
Còn ông Lâm Thiếu Quân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Tiên Phong cho rằng, tình trạng gây ùn tắc giao thông hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gây tổn thất của toàn xã hội mỗi năm từ 1,5 - 2 tỷ đô la Mỹ.
Khi hệ thống thu phí xe ô tô vào nội đô thì lượng xe này sẽ giảm bớt, xe buýt sẽ được lưu thông nhanh hơn và đặc biệt xe gắn máy lưu thông tăng được khoảng 10%. Từ đó, thời gian tham gia giao thông của người dân dự kiến tiết kiệm 10 phút. Với 10 phút này, nhân với chi phí của toàn bộ người dân tham gia giao thông, tiết kiệm được chi phí giao thông do tốc độ giao thông tăng lên. Chúng tôi tính ra, là khoảng 12.000 tỷ đồng đến 15.000 tỷ đồng/năm.
“Trong vòng 15 năm dự án, chúng tôi tính toán tiết kiệm của toàn bộ xã hội khoảng 245.000 tỷ đồng”, ông Lâm Thiếu Quân khẳng định.
Chuyên gia nhận định vi phạm luật, gây ùn tắc giao thông
Trong khi đó nhiều chuyên gia về giao thông cho rằng đề án này khó có thể hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông trong nội đô, mà có khi càng làm cho ùn tắc trầm trọng thêm.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng việc thu phí này vi phạm luật và gây ùn tắc giao thông! |
Theo Tiến sĩ Phạm Sanh, hệ thống xe giao thông công cộng hiện vẫn chưa hình thành rõ nét, hệ thống giao thông công cộng chưa kết nối hoàn chỉnh để đưa người dân ở khu ngoại đô đi làm ở quận trung tâm.
TS. Sanh kiến nghị cần điều chỉnh lại quy hoạch giao thông, bố trí lực lượng chức năng điều tiết ngay trước giờ cao điểm. Bên cạnh đó, kết hợp với đầu tư xây dựng, đầu tư bất động sản, chung cư, bố trí khu dân cư, công nghiệp, doanh nghiệp ra sao cho hợp lý.
Ông Sanh lấy dẫn chứng cụ thể ở khu vực phía Đông thành phố hiện nay đi vào khu vực trung tâm thường xuyên kẹt xe do quy hoạch hệ thống giao thông chưa nghiên cứu kỹ. Vấn đề tai nạn thường xuyên trên đường Nguyễn Duy Trinh và đường Phú Hữu khi nối kết gần đường cao tốc.Nguyên nhân chính gây tai nạn chính là do xe bốn bánh, hay hai bánh, xe tải, xe container cùng chạy trên một con đường.
Ngay bây giờ phải nghĩ ngay một con đường cho xe container từ Cát Lái ra thế nào, chứ không được đi chung nữa. Vẫn tiếp tục đi chung vậy thì những đường mà chúng ta cố gắng mở Vành đai cầu Phú Hữu thì vẫn tiếp tục tai nạn và kẹt xe thôi”. Tiến sĩ Phạm Sanh nêu thực trạng.
Ở góc độ khác, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đề án thu phí xe ô tô vào trung tâm chưa đủ cơ sở, vì luật hiện hành quy định chỉ có 3 loại phí, trong đó không có phí chống ùn tắc giao thông. Luật mới có hiệu lực từ tháng 1 năm nay, bây giờ lại bổ sung thêm loại phí này là không nên, người dân đã chịu quá nhiều loại phí. Nếu muốn triển khai đề án thì cần kiến nghị HĐND TP ban hành quy định “phí chống ùn tắc” nằm chung trong phí sử dụng đường bộ, tránh trường hợp phí chồng phí.
Ở các nước khác, để giải quyết ùn tắc giao thông phải có giải pháp đồng bộ, giao cho một đơn vị vận hành rồi thu phí dịch vụ. Do đó, chuyển phí thành một loại dịch vụ thì sẽ phù hợp với luật pháp hơn.
“Muốn thực hiện dự thảo này, phía đơn vị tư vấn phải nêu rõ hiệu quả, tính khả thi, tác động xã hội của dự án như thế nào; các phương án học tập từ ai, quốc gia nào...”, bà Hòa nhấn mạnh.
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Võ Khánh Hưng - Phó giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi sẽ có thêm nhiều giải pháp để tạo thêm sự đồng thuận, chẳng hạn phối hợp với địa phương, phát phiếu điều tra xã hội học, phiếu thăm dò… để làm sao đề án này được hoàn thiện nhất”.