Từ năm 2015, Ban Thi đua- Khen thưởng phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị triển khai cuộc thi phát hiện và viết về “Gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt” trong phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô. Cũng từ thời điểm đó đến nay, báo Kinh tế & Đô thị đã duy trì đều đặn chuyên mục “người tốt - việc tốt” trên báo in và báo điện tử đăng tải các bài viết về gương điển hình, người tốt - việc tốt trên địa bàn Thủ đô.
|
Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức tặng hoa các khách mời. |
Trong số các tác phẩm được đăng tải, nhiều bài viết đã thể hiện chân thực, xúc động về những tấm gương người tốt - việc tốt, hầu hết là những gương mới phát hiện trong
đời sống ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, y tế, sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới... với những việc làm cụ thể, có hiệu ứng lan tỏa tích cực. Năm 2018, Ban Thi đua - Khen thưởng tiếp tục triển khai cuộc thi viết này. Ngay từ khi triển khai, Cuộc thi viết về “Gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt” trong phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo
bạn đọc, người viết và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.
Qua các tác phẩm đăng tải, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn và mời các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tham gia Tọa đàm trực tuyến gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt TP Hà Nội năm 2018 trên báo điện tử Kinh tế & Đô thị.
|
Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến. |
Tham dự buổi giao lưu có ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị.
Các khách mời tham gia buổi giao lưu có:
1. Chị Đào Phương Thanh - Chi hội trưởng Chi hội chữ thập đỏ TDP số 16 phường Giang Biên, quận Long Biên
2. Bà Nguyễn Thị Minh Phương ở số 6, phố Lý Thường Kiệt, Phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm
3. Ông Đàm Bạch Long, giáo viên trường THCS Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm
4. Em Nguyễn Như Khôi - học sinh lớp 6 trường Chu Văn An, Tây Hồ
|
Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức tặng hoa bé Đỗ Phương Chi - 'học trò' của em Như Khôi sau tiết mục văn nghệ dành tặng các khách mời. |
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết: "Việc báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Ban thi đua khen thưởng TP Hà Nội lựa chọn gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt để viết bài và mời tới tham gia buổi tọa đàm trực tuyến với mong muốn tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình, người tốt việc tốt, nhân rộng và giao lưu học hỏi, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu.
Tôi rất mong các bác, anh, chị là những người có nhiều đóng góp cho xã hội, cộng đồng để chia sẻ các kinh nghiệm, sáng kiến để đóng góp cho vườn hoa người tốt, việc tốt của cả nước cũng như góp phần giúp cho Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Chúc các vị khách mời dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống".
|
Chị Đào Phương Thanh giao lưu cùng phóng viên Báo Kinh tế&Đô thị |
Chia sẻ tại buổi giao lưu, chị Đào Phương Thanh cho biết: Thời điểm hiện tại chị đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư, giai đoạn cuối. Hôm nay (30/5) theo lịch chị phải sang Singapo để tiếp tục với cuộc chiến điều trị hóa chất nhưng vì yêu quý chương trình từ thiện ở bệnh viện K – Tân Triều, hát và phát cháo cho các em bệnh nhân nên chị đã xin bác sĩ lùi lại một ngày.
Chị xúc động: “Khi biết mình bị ung thư, tôi rất lo gần 20 cháu mồ côi do bố mẹ bỏ lại vì bị nhiễm HIV. Nhưng chính các em mà ngày xưa tôi đã giúp đỡ, tôi thường xuyên đi làm từ thiện cùng đã sẵn sàng nuôi cho tôi gần 20 cháu bé ấy. Tôi thấy đất nước mình, thực ra con người rất tốt, tình yêu thương, chia sẻ nhiều lắm. Tôi thấy rất rất nhiều. Và tôi chỉ mong rằng, một ngày gần nhất, việc làm như của tôi, của cô Phương, của anh Long và bé Khôi không còn là đặc biệt nữa mà nó sẽ trở nên rất rất đỗi bình thường.
Bởi vì tất cả chúng ta ai cũng là con người và đều yêu thương, chia sẻ cùng với những người có hoàn cảnh khó khăn, với những người không may bị nhiễm HIV. Tôi cũng mong muốn mọi người không kỳ thị, không phân biệt đối xử. Bởi vì nếu như, chúng ta không xóa bỏ được sự kỳ thị, đối xử phân biệt với những người bị HIV thì mục tiêu của chúng ta là xóa bỏ HIV đến năm 2020 sẽ không thể hoàn thành. Những người bị nhiễm HIV như tôi, họ phải được sống tự tin, họ phải được yêu thương, được chia sẻ và họ được đóng góp cho xã hội thì họ mới có thể sống được một cuộc sống khỏe mạnh. Hiện nay tôi đang hỗ trợ khoảng hơn 1.000 người, sống khỏe mạnh như tôi”.
|
Các khách mời chụp ảnh kỷ niệm. |
Sau thời gian 2 giờ, qua lời chia sẻ, tâm sự chân thực, xúc động của các bác, anh, chị và em về việc tốt trong cuộc sống, báo Kinh tế & Đô thị mong rằng trong thời gian tiếp theo mọi người tiếp tục phát huy là tấm gương người tốt - việc tốt cho địa phương, cơ quan nơi mình làm việc để xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, giàu đẹp .
Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời và bạn đọc đã tham gia, theo dõi buổi tọa đàm trực tuyến hôm nay.
KHÁCH MỜI THAM DỰ
-
Chi hội trưởng Chi hội chữ thập đỏ TDP số 16 phường Giang Biên, quận Long Biên
Bà Đào Phương Thanh
-
-
Số 6, phố Lý Thường Kiệt, Phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm
Bà Nguyễn Thị Minh Phương
-
Giáo viên trường THCS Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm
Ông Đàm Bạch Long
-
-
Học sinh lớp 6 trường Chu Văn An, Tây Hồ
Em Nguyễn Như Khôi
NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN
Bạn đọc Thanh Lam Trần (connguoixunghe@gmail.com) hỏi:
Được chứng kiến và tham gia vào nhóm “Làm sạch đẹp Hồ Gươm với Ninomiya” từ năm 2012, đến nay, bà thấy những việc mà bà và nhóm làm đã lan tỏa như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Minh Phương trả lời:
Sau khi thành lập Facebook Làm sạch đẹp Hồ Gươm với Ninomiya (LamsachdephoguomvoiNinomiya), bằng sự kiên trì và bền bỉ, việc nhặt rác làm sạch môi trường và việc nâng cao ý thức cho Nhân dân của các tình nguyện viên môi trường Nhật và Việt Nam được mở rộng ra ở khu Văn Miếu, hồ Thiền Quang, Công viên Thủ Lệ, hồ Giảng Võ, Hồ Tây vào các sáng Chủ nhật và ở thị trấn Phùng vào sáng thứ Bảy.
Bản thân tôi cũng đã vận động các chị em phụ nữ ở phường Phan Chu Trinh, phường Tràng Tiền cùng tham gia làm vệ sinh không những ở Hồ Gươm, mà còn ở vườn hoa 19-8 và vườn hoa Hô-xê-Mar-ti, động viên mọi người kiên trì tham gia sẽ dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức của người dân.
Để lôi cuốn của mọi người tham gia, tôi nghĩ phải xuất phát từ sự chân thành, bền bỉ, kiên trì, mình phải làm gương, làm những việc khó, mọi người mới cảm nhận được, cùng hưởng ứng và cùng làm theo.
Bạn đọc Trần Thị Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) (tranthihuong@gmail.com) hỏi:
Cháu có thể chia sẻ kinh nghiệm kéo mọi người làm việc tốt?
Em Nguyễn Như Khôi trả lời:
Dạ kính thưa chú!
Đối với cá nhân cháu, để lôi kéo được nhiều người cùng làm theo những việc tốt thì trước tiên, mình phải làm việc đó đã. Cùng với đó, muốn mọi người cùng làm theo một việc, chúng ta phải cho họ thấy đó là việc làm tốt. Việc tốt đó có ý nghĩa đối với một cá nhân, một nhóm người hay cho toàn xã hội. Và khả năng thuyết phục của bản thân người đi kêu gọi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa và tụ hội được nhiều người cùng chung tay vào một việc tốt. Con nghĩ rằng, nếu không có tính thuyết phục thì dù mọi người biết đó là việc tốt, họ cũng sẽ không sẵn sàng tham gia vào.
Bạn đọc Nguyễn Hồng Hà (hanguyen@gmail.com) hỏi:
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến mối quan hệ của thầy cô với học trò, đặc biệt với cả phụ huynh đang “có vấn đề”. Thầy nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Đàm Bạch Long trả lời:
|
Thầy giáo Đàm Bạch Long chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Tôi thấy rất buồn khi theo dõi báo chí thấy các câu chuyện buồn liên quan đến giáo dục. Qua việc này, với địa phương tôi công tác thì quan trọng nhất phải dạy cho trẻ kỹ năng sống. Ở trường tôi, trong giờ trào cờ thì nó phải là hoạt động ngoại khóa và là sân chơi của các con. Điều này giúp các con thấm được và tự định hướng được hành động của mình. Ngoài ra, trường còn mời các đơn vị nghiệp vụ, chuyên môn về chia sẻ để giúp các con hiểu và từ đó thấy các con ngoan hơn, nhận thức được thay đổi rất nhiều.
Điều tôi thấy quan trọng là chính những người thầy và quản lý giáo dục phải thay đổi từ chính bản thân người thầy và áp dụng việc giáo dục sáng tạo thì sẽ giúp chúng ta giảng dạy và là tấm gương để các con học tập, noi gương là điều đầu tiên.
Bạn đọc Trần Thanh (thanhthanhhoa@gmail.com) hỏi:
Cơ duyên nào để bà chọn việc dọn vệ sinh môi trường, làm sạch đẹp cảnh quan Hồ Gươm?
Bà Nguyễn Thị Minh Phương trả lời:
Tôi nhớ hồi tháng 10/2012, đọc được trên báo có bác doanh nhân người Nhật Bản tên là Ninomiya, ngoài công việc của mình, vì tình yêu Hà Nội, bác muốn đóng góp công sức làm sạch môi trường Hà Nội.
|
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Bản thân tôi lúc đó là một cán bộ khí tượng, tôi cũng luôn làm vệ sinh môi trường xung quanh nơi mình sinh sống. Tôi thấy người nước ngoài còn yêu Hà Nội, tận tụy với công việc làm sạch Hà Nội, trong khi mình lại là người Hà Nội, càng phải yêu Hà Nội hơn. Vì vậy, tôi cũng chọn Hồ Gươm để làm sạch vệ sinh môi trường, tham gia cùng nhóm doanh nhân người Nhật.
Sáng Chủ nhật hàng tuần, từ 8 giờ đến 8 giờ 30, tôi trực tiếp tham gia và rủ mọi người cùng dọn sạch rác ở Hồ Gươm. Bản thân tôi luôn mang theo nhiều bộ dụng cụ để mời mọi người cùng tham gia. Tôi đã thành lập Facebook Làm sạch đẹp Hồ Gươm với Ninomiya (LamsachdephoguomvoiNinomiya) với sự tham gia của nhiều thành viên là các bác người cao tuổi, các tình nguyện viên sinh viên, những người muốn tham gia, nhằm lan tỏa tình yêu thiết thực đối với Hà Nội, Hồ Gươm tới mọi người, mong muốn đóng góp công sức làm Thủ đô sạch đẹp hơn và nâng cao ý thức người dân về việc thu gom rác vào nơi quy định.
Bạn đọc Hoàng Minh Lý (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) (minhly@gmail.com) hỏi:
Không chỉ học giỏi, hát hay, có năng khiếu làm MC, đặc biệt học tập và làm theo tấm gương của Bác về lòng nhân ái, em Như khôi thường dành tiền tiết kiệm để giúp đỡ các hoàn cảnh kém may mắn và thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Khôi hoạt động nghệ thuật, em đều dành dụm tiền cát-xê bỏ ống heo. Khôi cũng thường xuyên được các tổ chức từ thiện mời cùng các đoàn nghệ sĩ tới thăm bệnh nhân nghèo, trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi... Động lực nào khiến Như Khôi có những hành động đẹp đến như vậy?
Em Nguyễn Như Khôi trả lời:
Dạ thưa chú, con có may mắn là được ông Trời ban cho giọng hát hay. Con thấy hạnh phúc vì được hát cho tất cả mọi người. Khi đi hát, con cũng được trả thù lao và con tiết kiệm được một số tiền nhất định nhờ đi hát. Bố mẹ ủng hộ và con đã dành số tiền đó để làm từ thiện. Gần đây nhất, con đã mua được 4 tấn sữa. Con dành 2 tấn tặng các ông, bà ở trại dưỡng lão, 2 tấn còn lại, con dành tặng trẻ em vùng cao.
Con tin rằng, cho đi sẽ được nhận lại, và dù không được nhận lại mình cũng đã được cho đi. Đó thực sự là niềm hạnh phúc lớn đối với con!
Bạn đọc Hồng Ngọc (roseblack@gmail.com) hỏi:
Được biết, chị là một trong những thành viên tích cực trong các nhóm thiện nguyện ở vùng cao. Làm thế nào để chị được cộng đồng tin yêu, gửi gắm những món quà nhỏ đến những số phận kém may mắn?
Bà Đào Phương Thanh trả lời:
Hiện nay, Phương Thanh tham gia rất nhiều hội nhóm cộng đồng. Thậm chí nhiều người coi Thanh là nguồn cảm hứng cho mọi người học tập và làm theo.
|
Bà Đào Phương Thanh chia sẻ cùng độc giả tại buổi giao lưu. |
Thanh đã từng trải qua những quãng thời gian vô cùng khó khăn. Còn nhớ những năm 2005,
Bệnh viện Đống Đa lúc đó tập trung rất đông những người bị nhiễm HIV của TP. Có những hoàn cảnh rất đi đát, bị gia đình bỏ mặc. Thậm chí đến khi mất đi không có ai bên cạnh, không có 1 manh áo mới. Trước hoàn cảnh đó Thanh đã cũng vận động mọi người nấu những nồi cháo cho các bệnh nhân, lo cho họ có manh áo mới khi qua đời.
Rồi Câu lạc bộ Hoa Sữa ra đời đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều người bệnh và một số tổ chức xã hội. Hiện nhóm có hơn 30 thành viên gồm đủ các thành phần xã hội, từ trí thức đến thị dân quy tụ các tỉnh phía Bắc: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên…
Không chỉ là trưởng nhóm Hoa Sữa, thường xuyên đi nói chuyện trong các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn tuyên truyền, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS theo chương trình của
dự án Smastwork về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, Thanh còn làm việc tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội. Hàng ngày tiếp xúc với người “có H”, là “bạn thần chết”, theo dõi tình trạng, tiến triển sức khỏe của họ và dành thời gian cùng nhóm đến từng nhà động viên, chăm sóc hàng nghìn người nhiễm HIV không có điều kiện đến bệnh viện.
Mọi việc Thanh làm đều xuất phát từ cái tâm của mình. Hiện tại, Thanh vô cũng hạnh phúc khi được mọi người yêu thương như vậy, và cảm ơn cộng đồng đã cùng chung tay, góp sức giúp những người bị HIV vượt qua số phận.
Bạn đọc Nguyễn Thị Hòa (quận Đống Đa, Hà Nội) (hoanguyen98@gmail.com) hỏi:
Là người thầy giáo đã có 30 năm gắn bó với ngành giáo dục, sống rất chân thành, mộc mạc, sẵn sàng sẻ chia với những khó khăn của người khác và luôn luôn khát khao được đứng trên bục giảng để góp phần đào tạo thế hệ trẻ trở thành những con người có ích... Luôn gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là giáo viên dạy giỏi, tổ trưởng Tổ tự nhiên thầy đã có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy: “Thiết kế đồ dùng dạy học cấp TP” với sản phẩm “Máy chiếu vật thể đa năng” (năm 2015) - một sản phẩm hữu ích và rất tiện lợi, hỗ trợ tối đa hiệu quả việc giảng dạy, chữa bài, thầy đã tự mình tập huấn những khóa ngắn hạn về công nghệ thông tin cho các thầy cô giáo như việc sử dụng word, exel, powerpoint, cách tìm kiếm tư liệu, thông tin, cách chuyển đổi PDF sang word để dễ dàng sử dụng văn bản phục vụ cho bài dạy…
Ngoài những giờ dạy trên lớp, thầy mở những lớp học miễn phí tại nhà. Cùng những cô, cậu học trò tự tay đóng những bộ bàn ghế cho học sinh. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy còn mua sách, vở, đồ dùng học tập, thậm chí là xe đạp để bạn có thể đến trường. Có 30 năm gắn bó với giáo dục. Vật thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm trong chuyên môn để hướng giởi trẻ trong bảo vệ môi trường và tạo các sáng kiến trong giảng dạy giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn và cùng các em làm nhiều việc tốt.
Ông Đàm Bạch Long trả lời:
Tôi đến với giáo dục là cơ duyên gia đình. Trong gia đình tôi có nhiều người theo ngành giáo dục và tôi theo học trong sư phạm khi trường còn khó khăn. Tuy nhiên, chính do khó khăn được học thêm môn công nghệ nên tích lũy được kinh nghiệm để tạo sáng kiến trong giảng dạy. Động lực không theo phong trào gì mà đơn giản trong lúc giảng nếu thấy học trò tiếp thu kiến thức không được tốt thì nảy ra ý tưởng cho các học trò thực hành thì sẽ giúp các học sinh hứng thú hơn và áp dụng được kiến thức bài giảng vào thực tế để tiếp thu bài tốt hơn.
Đối với công tác từ thiện so với mọi người thì tự nhận thấy đóng góp không được nhiều. Tuy nhiên, vùng tôi ở các em còn nhiều khó khăn nên trong cuộc sống khi thấy những phế liệu vứt đi có thể sử dụng tôi đã nhặt về và cùng các em đóng các bộ bàn ghế để sử dụng cho các em trong quá trình học tập. Đến nay, sau 20 năm nhìn lại, tôi thấy điều này đã giúp các con trưởng thành hơn và biết trân trọng những khó khăn đã trải qua từ ngày xưa.
Bạn đọc Công Hùng (hungnghy2512@gmail.com) hỏi:
Bị phơi nhiễm HIV do quá trình chăm sóc em trai bị bệnh năm 2004 đến nay đã là 14 năm, chị vẫn không đầu hàng với số phận. Vậy chị có thể chia sẻ động lực nào giúp chị đứng vững trước những dư luận xã hội và tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, lan tỏa những hành động đẹp đến cộng đồng?
Bà Đào Phương Thanh trả lời:
Theo các quy định thì 1 người không được nói công khai về tình trạng HIV của 1 người khác, nhưng đối với Phương Thanh đã công khai tình trạng của mình từ năm 2005. Trong 1 lần rút kim tiêm cho em trai, Phương Thanh bị phơi nhiễm. Sau đó 3 tháng, Thanh bàng hoàng khi nhận kết quả dương tính với HIV sau 3 lần xét nghiệm máu. Năm đó, nhà Thanh phải đón 3 cái tang: Mẹ mất, bố mất rồi em trai cũng mất. Đau đớn về cả thể xác và tinh thần, khiến Thanh rơi vào bế tắc. Lúc này chồng Thanh đã mất (từ năm chị 20 tuổi - PV), và có 1 cô con gái.
Quãng thời gian năm 2004, dư luận xã hội còn rất kỳ thị với những người bị HIV. Khi cầm tờ giấy xét nghiệm lẫn thứ 3, Thanh ngã quỵ, không phải vì sợ căn bệnh, sợ cái chết đến với mình mà sợ phải đối diện với dư luận xã hội. Rồi ai sẽ lo cho con gai bé bỏng của mình?
Còn nhớ, trong đám tang của ba, người thân, bạn bè, hàng xóm đến rất đông, nhưng sau đó 9 ngày, trong đám tang em trai bị HIV, chỉ lác đác có vài người. Ai cũng lo ngại, không dám đến, điều đó đủ để thấy áp lực của dư luận xã hội thời gian đó lớn đến thế nào.
Đau đớn, có những lúc Thanh đã nghĩ đến con đường giải thoát cho riêng mình. Nhưng sau 15 ngày suy nghĩ, cộng với sự động viên chia sẻ của các bạn Đồng đẳng viên, Thanh đã quyết định đứng lên, tự mình vượt qua nghịch cảnh.
Đến nay, qua 14 năm, bản thân Thanh ghi nhận 1 sự thay đổi rất lớn, nhất là từ cộng đồng đã không còn ác cảm với những người bị HIV. Đến hôm nay Thanh ghi nhận rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Đặc biệt tổ chức CARE đã trao cơ hội giúp Thanh trở thành 1 người đào tạo những bạn cùng cảnh ngộ vượt qua nghịch cảnh. Sau đó Thanh đã được Bệnh viện Đống Đa mời tham gia, chia sẻ kiến thức về vấn đề này cho cộng đồng và thực hiện những dự án phòng tránh HIV/AIDS.
Qua đây Thanh cũng chia sẻ 1 thông tin cho mọi người cần biết, nếu 1 người bị phơi nhiễm HIV được điều trị trong vòng 12 tháng thì lượng virut sẽ không còn đủ để lây qua đường tình dục nữa.
Bạn đọc Phạm Tiến Dũng (Ba Đình, Hà Nội) (tiendung121@gmail.com) hỏi:
Em Nguyễn Như Khôi - học sinh lớp 6 trường Chu Văn An, Tây Hồ (Hà Nội) một trong những học sinh giỏi Thủ đô tiêu biểu năm học 2016 - 2017, thành thạo hai ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Trung, Như Khôi thường xuyên đóng vai trò đại sứ thiếu nhi trong nhiều dịp lễ đón các nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam: Nhà vua và phu nhân Nhật Bản, Thủ tướng và phu nhân Singapore, Thủ Tướng và Phu nhân Sril LanKa, Tổng thống Donald Trump. Hiện Khôi có những thành tích trong học tập, đó là:
- Huy chương Vàng Olympic Toán học Quốc tế dành cho học sinh tiểu học tại Thái Lan năm 2015. Giải Nhất cuộc thi hát Tiếng Anh cấp thành phố Hà Nội 2016. Giải Nhất hùng biện “Trẻ em nói về Công ước Quyền trẻ em” do Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em tổ chức năm 2016 và hàng chục giải thưởng của thành phố và quốc gia…
Mới đây, em Khôi đã trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020. Đây là tổ chức mới được thành lập theo đề án của UBND TP Hà Nội.
Năm 2017, Nguyễn Như Khôi được trao danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu do Chủ tịch UBND Hà Nội tặng và em cũng được tuyên dương là một trong những học sinh giỏi tiêu biểu thủ đô năm học 2016 - 2017.
Mới có 12 tuổi nhưng Nguyễn Như Khôi được bạn bè, thầy cô ngưỡng mộ về bảng thành tích đáng tự hào. Vậy, những việc mình đã làm được, Khôi thấy có quá sức so với lứa tuổi của mình không?
Em Nguyễn Như Khôi trả lời:
|
Nguyễn Như Khôi trao đổi tại buổi tọa đàm. |
Con xin cảm ơn câu hỏi của chú!
Con không hề cảm thấy quá sức một chút nào, vì khi được làm từ thiện, được làm những việc con thích hay chơi thể thao, khi về nhà, con có mệt một chút, nhưng sau khi ngủ và ăn uống đầy đủ, sức khỏe con lại hồi phục. Con cảm thấy hạnh phúc vì được làm những điều có ý nghĩa và những việc con thích. Con không cảm thấy quá sức hay mệt đâu, thưa chú!