Trong phiên bế mạc này 12/5, Hội nghị Trung ương 7 khoá XII, Ban chấp hành Trung ương đã thông qua 3 nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; cải cách chính sách tiền lương; và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).
Đáng chú ý trong đề án cải cách chính sách BHXH, Ban Chấp hành Trung ương đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình, bước đi phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề để tăng tính bền vững của chính sách.
Tăng tuổi nghỉ hưu trước ở khu vực hành chính.
Như vậy, theo quy trình sau khi được thông qua, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động năm 2012. Trong đó, sẽ đưa quy định tăng tuổi nghỉ hưu vào luật để gửi Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Tuổi nghỉ hưu có thể sẽ tăng theo hai phương án có lộ trình mà Bộ LĐ-TB&XH từng đề xuất. Phương án 1, nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm ba tháng; phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm bốn tháng. Thời gian tăng bắt đầu từ ngày 1/1/2021.
Theo Bộ LĐ-TB&XH từng đề xuất, đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu trước tiên thuộc nhóm nhà khoa học, kỹ sư, bác sỹ… để tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao. Riêng đối với những người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (như lao động trong ngành dệt may, thủy sản, công nhân cạo mủ cao su...) sẽ không thực hiện tăng tuổi hoặc có các chính sách phù hợp...
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu là xu thế chung và Việt Nam nằm trong xu thế này.
Theo đó, điều chỉnh tuổi hưu bình quân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặt ra nhiều mục tiêu: Đối phó với già hóa dân số; sự biến đổi của thị trường lao động; bình đẳng giới; cân đối quỹ trong dài hạn.
Cũng theo ông dung, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, nhưng đến năm 2026, Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới thời gian tới. Nếu Việt Nam không có quyết tâm chính trị, có tầm nhìn xa và hành động mau lẹ thì chúng ta sẽ chuyển gánh nặng này cho thế hệ con cháu.
“Đứng ở góc độ nghỉ hưu, tuổi thọ và sự bền vững của quỹ, tuổi nghỉ hưu được xây dựng từ năm 1960 là nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi. Ở thời điểm đó, tuổi thọ bình quân của Việt Nam mới chỉ trên 40 tuổi. Song đến nay, Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất trong khu vực: Nam là 78 tuổi, nữ là 79,5 tuổi.
Nhưng tuổi nghỉ hưu thực tế của lao động Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực: Nam là 55,6 và nữ là 52,6. Nam đóng bảo hiểm bình quân là 28 năm và hưởng lương hưu là 22,5 năm, nữ đóng 23 năm nhưng hưởng tới 27 năm - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
"Đây là thời cơ vàng để quyết định chủ trương này, mặc dù có thể có ý kiến khác nhau. Còn xây dựng lộ trình như thế nào thì sau này giao cho các cơ quan chuyên môn" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ quan điểm.
Nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến hàng chục triệu lao động. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động là 22 triệu người. Số lao động trong khối hành chính sự nghiệp là hơn 4 triệu người và khu vực công nhân, lao động trực tiếp có khoảng 18 triệu người. Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng khả năng tác động đến từng đối tượng lao động.