Theo Phòng CSGT ĐB-ĐS, Công an TP Hồ Chí Minh, qua thực tế công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm (TTKS, XLVP), đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhận thấy có nhiều trường hợp người tham gia giao thông khi bị dừng phương tiện để kiểm tra hành chính, cho rằng bản thân không vi phạm Luật Giao thông thì CSGT không có quyền dừng xe và yêu cầu lực lượng chức năng phải xuất trình kế hoạch, chuyên đề TTKS, XLVP. Thậm chí, có trường hợp lớn tiếng cự cãi, dùng điện thoại quay phim, ghi hình lực lượng chức năng. Hành vi này hiện nay có không ít người “học theo” và ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Các đội/trạm thuộc Phòng PC08 Công an TP Hồ Chí Minh đăng công khai kế hoạch, chuyên đề công tác trên Cổng thông tin điện tử của phòng - Ảnh: Chụp màn hình
Vậy, CSGT được dừng phương tiện của người dân để kiểm tra khi nào?
Theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an, có 04 trường hợp CSGT được dừng phương tiện kiểm tra, đó là:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, kể cả khi người tham gia giao thông chưa có hành vi vi phạm (về giao thông hoặc vi phạm pháp luật khác), CSGT vẫn được quyền dừng xe kiểm tra khi có kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt
Người dân có quyền yêu cầu CSGT cho xem kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề không?
Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 67/2019/TT-BCA, ngày 28/11/2019 của Bộ Công an:
Công an nhân dân phải công khai Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện.
Ngoài ra, tại Điều 6, Thông tư 67/2019/TT-BCA có nêu, căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây:
- Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.
- Đăng Công báo.
- Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.
- Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Phòng CSGT ĐB-ĐS, Công an TP Hồ Chí Minh thường xuyên thông báo về các kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và thực hiện chuyên đề cụ thể của đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết công khai tại trụ sở đơn vị; đồng thời, đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Phòng CSGT ĐB-ĐS, người dân có thể truy cập vào địa chỉ: http://csgt.catphcm.bocongan.gov.vn/ để xem chi tiết tại Mục Tra cứu/ Kế hoạch công tác.
Tóm lại, theo Thông tư 67/2019/TT-BCA, người dân có quyền được biết về kế hoạch tuần tra, kiểm soát, chuyên đề của CSGT thông qua các hình thức trên. Tuy nhiên không được yêu cầu kiểm tra chuyên đề hay kế hoạch trực tiếp khi làm việc với CSGT.
Hiểu như thế nào cho đúng về quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của CSGT?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư số 67/2019 ngày 28/11/2019 của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm TTATGT, thì Nhân dân được thực hiện quyền giám sát hoạt động của CSGT: “Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;
- Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
- Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan”.
Như vậy, người dân có thể ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT chỉ khi đảm bảo các điều kiện nói trên. Không nên nhận thức sai lệch về quyền giám sát này, dẫn đến có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ.