Chiều 12/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 với tỷ lệ 93,37% đại biểu tán thành.
Theo nghị quyết, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512,3 nghìn tỷ, tổng chi là 1.747,1 nghìn tỷ đồng.
Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234,8 nghìn tỷ đồng tương đương 3,44% GDP.
Quốc hội cũng đồng ý tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488, 921.352 nghìn tỷ đồng trong năm sau.
Với nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020. Sự điều chỉnh này theo đề xuất của Chính phủ trước đó, và cũng là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua.
Lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng từ ngày 1/7/2020.
Nguồn chi cho tăng lương năm tới sẽ được Chính phủ lấy từ việc tăng thu 40% ngân sách trung ương và 70% tăng thu từ ngân sách địa phương so với dự toán.
Năm 2020 là năm cuối cùng tồn tại lương cơ sở. Theo Nghị quyết 27 Bộ Chính trị, từ năm 2021 trở đi lương cơ sở và hệ số lương sẽ được bãi bỏ, thay vào đó là 5 bảng lương mới với cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, ngân sách trung ương sẽ bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng chính sách...; tiền lương tăng thêm của các bộ, cơ quan trung ương.
Sau khi đã chi đảm bảo tăng lương, các địa phương được quyền chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành.
Riêng các địa phương điều tiết về ngân sách Trung ương, nếu bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025 và còn dư, được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn dư này để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.