Tham dự hội nghị là gần 600 đại biểu là đại diện lãnh đạo Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, T.Ư MTTQ Việt Nam; các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí; các Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Sở TT&TT, Chủ tịch Hội Nhà báo… các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.
Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng, với 844 cơ quan báo chí in, 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 67 đài phát thanh-truyền hình, 5 đơn vị hoạt động truyền hình… T.Ư và địa phương, trong năm 2018, tổng quan chung các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước. Thông tin tuyên truyền kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế-xã hội ở trong nước và quốc tế, là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, diễn đàn thực sự tin cậy của Nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội. Báo chí trong năm đã chú trọng, tích cực, chủ động kịp thời truyền tải, thông tin tuyên truyền toàn diện các nghị quyết của T.Ư, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ; đồng thời phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội…
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam tại Hội báo Toàn quốc năm 2018. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)
|
Đặc biệt, báo chí đã nêu bật, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động thông tin kết quả kiểm tra, xử lý các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên sai phạm… Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, nhất là kỹ thuật số, đa loại hình, đa nền tảng, tạo ra các sản phẩm báo chí có chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức, theo kịp xu thế báo chí của khu vực và thế giới, góp phần đạt hiệu quả về thông tin tuyên truyền, được đông đảo dư luận quan tâm, cũng tạo nguồn thu, phát triển kinh tế báo chí. Đáng chú ý năm 2018, tình trạng thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí đã từng bước được khắc phục; tình trạng rút, gỡ tin, bài tùy tiện của các cơ quan báo chí đã cơ bản giảm.
Bên cạng đó, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trong năm qua cũng cơ bản hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đó là đã làm tốt việc chỉ đạo, định hướng, tổ chức thông tin cho báo chí, quản lý thông tin trên báo chí; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí; xây dựng triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí; tham mưu ban hành quy định, chỉ thị của Đảng, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ báo chí… Điển hình đối với các vụ việc liên quan đến tôn giáo, dân chủ, nhân quyền…, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam đã bám sát thông tin để định hướng, chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin, phản ánh, truyền thông chính xác, khách quan, bám sát chỉ đạo thông tin của cấp có thẩm quyền nhằm góp phần ổn định tâm lý trong Nhân dân, giữ ổn định xã hội.
Tuy nhiên, Ban Tuyên giáo T.Ư cũng chỉ ra một số tồn tại, khuyết điểm, hạn chế trong hoạt động báo chí thời gian qua, trong đó có những hạn chế kéo dài. Đó là tình trạng thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp lợi ích đất nước, của Nhân dân, chưa đúng định hướng thông tin vẫn xảy ra trên một số báo, tạp chí, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của tổ chức, người dân. Thông tin về mặt trái của xã hội, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, thiếu nhân văn và phản cảm giáo dục, kiểu giật tít mang tính “giật gân”, “câu khách”… vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đồng thời, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền trong lĩnh vực báo chí vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra chủ yếu với báo điện tử và báo hình. Bên cạnh đó, trong công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, dù đã đổi mới nhiều song vẫn còn thời điểm theo quán tính, lối mòn, chưa chủ động chưa theo kịp tính thời sự của sự việc, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như hiện nay. Một số cơ quan chủ quan báo chí buông lỏng quản lý với cơ quan báo chí, chưa tạo điều kiện kinh phí, vật chất, nhân sự…., phó mặc cho các cơ quan báo chí tự bươn chải hoặc không thường xuyên quản lý dẫn đến các cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm quy định pháp luật về báo chí.
Phát triển phải đi đôi với quản lý tốt
Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư cũng nêu lên những xu hướng và thách thức trong hoạt động báo chí hiện nay. Trong đó, với xu thế hội tụ công nghệ như hiện nay thì xu hướng một cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình báo chí (báo chí đa phương tiện) là tất yếu, nhằm khai thác thế mạnh của loại hình thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, nhất là khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng có ảnh hưởng đến xã hội. Thứ hai, một xu hướng đang ngày càng rõ nét là xu hướng “báo chí công nghệ”, trong điều kiện phổ biến các thiết bị công nghệ những năm gần đây như điện thoại thông minh, ti vi thông minh…, mà hiện việc đọc, nghe, xem báo chí trực tuyến cũng đã dịch chuyển từ thụ động sang chủ động. Đáng chú ý, một số ý kiến tại hội nghị đã bàn luận nhiều về xu hướng sử dụng “trí tuệ nhân tạo” và cung cấp nội dung xuyên biên giới, trong điều kiện “thế giới phẳng” như hiện nay. Thực tế, nhiều tổ chức nước ngoài đã triển khai việc cung cấp những dịch vụ có tính chất truyền hình trả tiền qua mạng internet xuyên biên giới và thu phí người dùng tại Việt Nam cũng sẽ tham gia dịch vụ này.
Với những xu thế như vậy, rất nhiều thách thức đang đặt ra cho báo chí trong năm 2019 và những năm tới, mà trước hết là báo chí sẽ có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, đồng thời có nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo. Báo chí cũng có thể sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập, tạo nguồn thu.
Trong bối cảnh có thuận lợi nhưng nhiều thách thức đan xen đang đặt ra, lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, 5 nhóm nhiệm vụ với các cơ quan chủ quản báo chí và 8 nhóm nhiệm vụ với các cơ quan báo chí. Trong đó đáng chú ý, Ban yêu cầu các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và cơ quan chủ quản nhằm “phát triển đi đôi với quản lý tốt”; nắm bắt kịp thời, phân tích, đánh giá, dự báo các sự kiện, vấn đề, tăng cường sự phối hợp, trao đổi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, định hướng báo chí. Về phía các cơ quan chủ quản báo chí, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, Hội Nhà báo để đẩy mạnh các biện pháp, hình thức nhằm quản lý, thực hiện tốt cơ chế kiểm tra giám sát cơ quan báo chí; xử lý nghiêm những cơ quan có vi phạm pháp luật báo chí. Đối với các cơ quan báo chí, Ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị tuân thủ việc thực hiện sắp xếp cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; bám sát định hướng, tôn chỉ, mục đích của báo, các vấn đề sự kiện quan trọng của đất nước, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền… Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan báo chí cần nâng cao vai trò trách nhiệm, gắn với những sai phạm của cán bộ, phóng viên báo chí ở đơn vị mình.
“Chính xác, chuẩn mực và trách nhiệm” sẽ thắng mạng xã hội
Nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam vì lợi ích của đất nước và Nhân dân, phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi bày tỏ lo lắng: Cùng với nhiều thành tựu, thời gian qua, hiện tượng một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật có chiều hướng ngày càng tăng. Đã xuất hiện biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí với nhiều cách thức tinh vi, đối phó với các biện pháp quản lý của các cơ quan chức năng vì một số động cơ không trong sáng. Những biểu hiện đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là cốt lõi nhất, đó là: Sự thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo. Ngoài ra, phông kiến thức nói chung và kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí của một bộ phận nhà báo còn hạn chế.
“Báo chí đang đứng trước những cơ hội lớn cùng nhiều thách thức nặng nề và gay gắt, đòi hỏi người làm báo phải đổi mới và sáng tạo hơn nữa. Báo chí không thể thắng mạng xã hội bằng tốc độ đưa tin, nhưng báo chí sẽ vượt trội mạng xã hội bằng sự chính xác, chuẩn mực và trách nhiệm. Độ tin cậy và sức thuyết phục chính là con đường sống của báo chi trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để xây dựng một đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Trong đó, việc tu dưỡng, rèn luyện theo 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam sẽ giúp nhà báo, hội viên tự tin vượt qua mọi thử thách, cám dỗ”, ông Hồ Quang Lợi nhận định.
Tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đã trao Bằng khen của Ban Tuyên giáo T.Ư cho 5 cơ quan chủ quản, cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan tham mưu báo chí đã có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2018. Ban Tuyên giáo T.Ư cũng tặng Bằng khen cho 20 cơ quan báo chí đã có thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2018. |