Cần làm rõ nghi vấn "gỡ" sai phạm cho doanh nghiệp
Nổi cộm nhất ở huyện đảo Phú Quốc là việc hai công trình khách sạn Hương Biển (đường Võ Thị Sáu, khu phố 2, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc) và công trình Trung tâm ngọc trai Ngọc Hiền (Bãi Trường, xã Dương Tơ) sừng sững bên bờ biển, báo chí, công luận lên tiếng ầm ĩ suốt nhiều tháng qua.
Trung tâm Ngọc trai Ngọc Hiền vẫn đang được xây dựng, bất chấp những băn khoăn của công luận (?) |
Về khách sạn Hương Biển. Khi nó chưa hoàn thiện, dư luận cho rằng chủ đầu tư xây dựng khách sạn lấn chiếm đường hành lang bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, UBND tỉnh Kiên Giang từng có công văn trả lời, công trình này không vi phạm vì chủ trương xây dựng khách sạn đã được phê duyệt trước khi có quy định về hành lang bảo vệ bờ biển.
Và mới đây, tỉnh ra quyết định "gọt" 02 tầng sai phép của khách sạn này, là cái chóp nhỏ bé của khách sạn có hình con tàu nằm sát bờ biển này.
Nhưng, 02 tầng nhà bé nhỏ này, liệu chủ đầu tư - Công ty CP Du lịch Phú Quốc có dám xây sai phép hay không, khi báo chí, dư luận đánh thẳng vào dấu hiệu lấn hành lang biển, phá vỡ không gian văn hóa tâm linh của cư dân Đảo Ngọc – khu vực Dinh Cậu? Hay ở đây, đơn giản là đập đi cái "chóp tàu" bé nhỏ để thể hiện sự khách quan, công bằng của chính quyền, cho dư luận bớt "lao xao" bóng gió ?
Vụ khách sạn Hương Biển chưa yên, thì công trình Trung tâm ngọc trai Ngọc Hiền (Bãi Trường, xã Dương Tơ) được đưa vào "tầm ngắm" của báo chí, công luận từ lâu, cần phải chờ xem công trình này có phải "lách luật" hay không, và bằng cách nào?
Ở Trung tâm ngọc trai Ngọc Hiền, dư luận cho rằng có dấu hiệu rõ về việc thi công xây dựng không phép, nằm trong khu vực an toàn đường không của Sân bay quốc tế Phú Quốc và hành lang bảo vệ bờ biển không được phép xây dựng. Nhưng tới nay, công trình vẫn đang được thi công, như một sự thách thức, cười nhạo dư luận. Để từ đó, dư luận càng thêm hoài nghi, lo sợ về các nhóm thế lực, nhóm lợi ích có quyền năng thách thức cả kỷ cương phép nước.
Xin đặt một câu hỏi nhỏ ở đây: Nếu thường dân mà xây ban công độ 1-2m bên bờ biển, liệu có qua mắt được cơ quan hữu trách?
Từ chuyện cụ ông 90 đi đòi đất, có thấy được cái tâm, cái tầm của cán bộ?
Từ chuyện "thế lực", nhìn về tiếng nấc của lương dân hai bàn tay không nắm chặt
Ở ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, có lẽ hiếm ai không biết cụ Nghiêm Văn Cư, nay đã gần 90 tuổi, không còn vợ, không còn con, mấy năm qua lê thân già cùng người thân, người quen đi đòi đất – mảnh đất ông khai phá từ những năm 1975, giờ đứng tên người khác.
Cụ ông Nghiêm Văn Cư trước mảnh đất mình từng khai phá - Ảnh: NBCL |
Ông Cư kể rằng, năm 1975, gia đình ông đến ấp Đá Chồng khai khẩn được một thửa đất diện tích khoảng 33.000 m2, đã cất nhà ở, trồng hoa màu, cây trái… Tới năm 1990, khi đứa con duy nhất bệnh qua đời, ông bà buồn đau đành xuống xóm dân cư cách khu đất khoảng 2km ăn nhờ ở đậu. Họ vẫn thường xuyên lên rẫy, cho tới năm 2001, kiểm lâm ngăn ông dọn cỏ vì nói rằng đất vẫn là đất rừng. Cán bộ nói, ông nghe, nhưng vẫn "len lén" lại qua mang hoa lợi về.
Mãi tới năm 2011, gia đình ông Cư thấy thửa đất có người đến phát dọn, đã trình báo UBND xã Bãi Thơm, lực lượng kiểm lâm. Vậy mà năm 2013, khu đất này bất ngờ được cấp GCN cho ông Trương Đông Triều (ngụ thị trấn Dương Đông), buộc ông Cư và người thân phải lao vào một hành trình gian nan đi đòi đất - mảnh đất ông khai phá từ hơn 40 năm trước, trong không khí nhân dân cả nước nhiệt liệt hưởng ứng chủ trương của Đảng và Chính phủ: Nỗ lực khai hoang phục hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Các đơn khiếu nại, đòi đất của ông Nghiêm Văn Cư được bà con địa phương, ban nhân dân ấp xác nhận là đúng sự thật. Nhưng sự thật khác lại là: Nó đã được UBND huyện Phú Quốc cấp cho người tên Trương Đông Triều, theo GCNQSDĐ số BD 589638, thửa số 2, tờ bản đồ 18, diện tích 30.798m2 đất trồng cây lâu năm. Về phía ông Triều, ông cũng có giấy tờ mua bán, có các xác nhận chứng minh nguồn gốc đất.
Tuy nhiên, theo quy trình cấp GCNQSDĐ, liệu có dễ dàng và hợp lý để địa phương xác định "đất không tranh chấp" để cấp GCN cho ông Triều, khi gia đình ông Nghiêm Văn Cư đã ròng rã khiếu nại từ trước thời điểm kê khai, đăng ký (?!)
Mòn mỏi, dồn mọi hi vọng vào lương tâm, trách nhiệm của chính quyền địa phương, thì mãi tới 31/7/2017, các khiếu nại của gia đình ông Nghiêm Văn Cư mới được hồi đáp. Nhưng, sự hồi đáp bằng Thông báo số 405 về việc “không thụ lý giải quyết khiếu nại” của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc lại khiến ông Cư chết lặng.
Xác nhận của một số bà con địa phương về nguồn gốc mảnh đất mà ông Cư đang đi đòi. |
Ông càng đau khổ hơn, khi lý do “không thụ lý” được UBND huyện Phú Quốc đưa ra là: Căn cứ vào Điều 11 Luật Khiếu nại 2011, xác định không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết vì: “Nội dung khiếu nại của ông Nghiêm Văn Cư không liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp của ông” (?)
Lạ chưa? Thường dân đi đòi lại mảnh đất mình khai phá, có xác nhận của bà con, ban nhân dân ấp, mà UBND huyện Phú Quốc cho rằng "không liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp"? Liệu rằng trước khi trả lời gọn lỏn tới vô cảm cho dân, UBND huyện Phú Quốc đã cho thanh kiểm tra nguồn gốc, hiện trạng quản lý, sử dụng đất, quá trình mua bán, kê khai đăng ký cấp GCN của ông Trương Đông Triều hay chưa? Tất cả có đều đúng quy trình, quy định, rõ ràng đầy đủ các căn cứ pháp lý hay chưa?..
Người viết hồ nghi rằng, sẽ khó có thể có một tờ giấy xác nhận "sử dụng ổn định, không tranh chấp" trong hồ sơ cấp GCNQSDĐ của ông Triều mà đầy đủ sự thật và giá trị pháp lý. Bởi tranh chấp là có thực, đơn của ông Cư được bà con xác nhận cũng có thực (?!)
Khi hồ nghi còn đó, dư luận có quyền băn khoăn rằng: Đúng là Phú Quốc ở ngoài khơi xa. Nhưng liệu Đảo Ngọc có phải một vương quốc riêng hay không, để có thể đứng ngoài các yêu cầu chuẩn chỉ, minh bạch trong xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng những quy trình, quy định chặt chẽ của pháp luật Việt Nam?
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này
Quang Hưng – Hồng Kỳ - Trường Giang