Liên quan đến hoạt động kinh doanh khai thác đá trên địa bàn phường Phước Tân (TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đang được người dân và dư luận đặc biệt quan tâm, từ ngày 4/5/2021 Đoàn công tác liên ngành của tỉnh này tiến hành thực hiện khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại 10 doanh nghiệp đang khai thác đá thuộc khu vực mỏ đá Tân cang.
Hiện trường một cơ sở khai thác đá tại khu vực mỏ đá Tân Cang (thuộc phường Phước tân, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đang hoạt động
Khảo sát môi trường khai thác đá của 10 đơn vị
Đoàn công tác (gồm Sở TN&MT, Sở GTVT, UBND TP Biên Hoà, UBND phường Phước, cùng các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Biên Hoà) dành thời gian gần trọn tháng 5/2021 để trực tiếp triển khai kế hoạch khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản của các chủ đầu tư dự án mỏ đá trên địa bàn.
Có 10 doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn phường Phước Tân (TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) được Đoàn công tác thực hiện khảo sát đánh giá môi trường, gồm: Công ty cổ phần (CP) Tân Cang (mỏ đá Tân Cang 2), Công ty CP đầu tư phát triển nhà và đô thị Idico (mỏ đá Tân Cang 9), Công ty CP vật liệu xây dựng Biên Hoà (mỏ đá Tân Cang 1), Hợp tác xã An Phát (mỏ đá Tân Cang 7), Công ty CP Hoá An (mỏ đá Tân Cang 3), Công ty CP công trình giao thông Đồng Nai (mỏ đá Tân Cang 4), Công ty CP đầu tư xây dựng và vật liệu Đồng Nai (mỏ đá Tân Cang 5), Công ty CP đầu tư và phát triển Cường Thuận Idico (mỏ đá Tân Cang 8), Công ty CP xây dựng công trình giao thông 610 (mỏ đá Ấp Miễu), Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (mỏ đá Tân Cang 6).
Được biết, các cơ sở kinh doanh khai thác đá tại khu vực mỏ đá Tân Cang, Ấp Miễu (thuộc phường Phước tân, TP Biên Hoà) này được cấp phép khai thác mỏ đá từ năm 1998. Mỏ được cấp phép khai thác mới nhất là vào năm 2010, trong đó thời hạn khai thác của các mỏ kéo dài 30 năm. Sau đó các mỏ còn có thể được gia hạn thêm 20 năm.
Danh sách 10 mỏ đá
Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, hiện các mỏ đá đều có đánh giá tác động môi trường do Bộ TN-MT thực hiện. Tuy nhiên, điều khó chấp nhận là không hề có một đánh giá tổng thể mà chỉ có đánh giá độc lập, đơn lẻ của từng mỏ. Trong các đánh giá độc lập ấy, cũng chỉ có đánh giá về mức độ, cách thức khai thác, quy trình nổ mìn phá đá… chứ không hề đánh giá về tác động của hoạt động khai khoáng lên sông Buông.
Theo nhìn nhận từ các cơ quan chức năng, việc khảo sát, đánh giá về môi trường tại các cơ sở khai thác đá nhằm đánh giá lại tác động cũng như tìm ra giải pháp cải thiện môi trường tại địa phương này nói chung và khắc phục tình trạng ô nhiễm dòng sông Buông của tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Tìm giải pháp “giải cứu” dòng sông Buông
Trước đó, trong tháng 4/2021 UBND TP Biên Hòa đã công bố 7 doanh nghiệp hoạt động tập kết vật liệu cát, đá trên địa bàn UBND phường Phước Tân đã vi phạm bảo vệ môi trường, gồm cơ sở Khánh Tâm Phát, Công ty Huy Hùng, cơ sở Nguyễn Minh Đức, Công ty Toàn Cầu Minh, Công ty Nam Hóa An, Cơ sở Phạm Anh Vũ, Cơ sở Nguyễn Đức Chinh.
Đoàn kiểm tra của lãnh đạo TP Biên Hoà ghi nhận hiện trường dọc sông Buông (thuộc địa bàn phường Phước Tân) có 5 bãi cát tập kết số lượng cát và đá lên tới hàng trăm ngàn khối, có công nhân làm việc có mặt tại các bãi cát cùng nhiều phương tiện là xe tải ben, xe múc. Trong một thời gian dài, các công ty này đã vi phạm tập kết vật liệu xây dựng nhưng không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.
Dòng sông Buông đang bị “bức tử”, nước trắng đục bốc mùi thối, do ảnh hưởng việc khai thác đá và tập kết vật liệu cát, đất
Sông Buông bắt nguồn từ TP Long Khánh chảy qua huyện Trảng Bom, đến TP Biên Hòa (địa phận phường Phước Tân) rồi đổ vào con sông Đồng Nai. Hiện con sông này đang bị “bức tử”, chở trên mình dòng nước đục do ô nhiễm bởi việc kinh doanh khai thác đá, sàng rửa cát đá dọc hai bên nhánh sông này.
Ngày đầu tháng 5/2021, chúng tôi có mặt ở khu vực khai thác đá tại mỏ đá Tân Tân (phường Phước Tân). Nơi đây đang diễn ra “trận địa” khai thác đá quy mô lớn nhất tại Đồng Nai. Chúng tôi chứng kiến con sông Buông oằn mình chảy ngoằn ngoèo giữa vùng khai thác đá bao la, với hàng loạt hố sâu. Có những đoạn sông Buông đối mặt với vách mỏ đá dựng đứng hai bên, máy xúc, xe ben chở đá chạy ầm ào và đất đá san ủi đã rơi rớt tràn xuống hai bên bờ sông.
Dòng sông Buông có chiều dài 52 km. Dọc theo con sông Buông này có đến 10 mỏ đá quy mô lớn được cấp phép khai thác đá với tổng diện tích hơn 400 héc ta, trong đó chiều dài mỗi mỏ đến hàng trăm mét. Đồng thời hiện có 7 đơn vị đang tập kết vật liệu xây dựng (cát, đá). Như vậy hiện có 17 đơn vị khai thác đá, tập kết đá, cát, đất… đang hoạt động hai bên dòng sông Buông, khiến cho dòng sông này đang bị ô nhiễm nặng nề.
Theo phản ánh từ các hộ dân sống trên địa bàn phường Phước Tân, TP Biên Hòa, từ nhiều năm qua hoạt động khai thác đá và tập kết vật liệu cát, đá, rồi dùng máy sàng lọc rửa cát… đã gây ô nhiễm nặng nề cho nguồn nước sông Buông. Điều đáng nói, nước được bơm trực tiếp từ dòng sông Buông lên để phục vụ việc sàng cát, rửa đá. Sau đó các tạp chất bùn, đất, sỏi được xả thẳng xuống sông Buông, khiến cho nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng nề.
Việc chính quyền tỉnh Đồng Nai nỗ lực tìm giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Buông lúc này có lẽ là khẩn thiết hơn bao giờ hết!