|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội |
Không trái luật
Mấy ngày nay dư luận xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề trạm thu phí/giá của Bộ Giao thông vận tải. Nhiều ý kiến gọi đó là 1 cách "lách luật". Vậy tại sao lại chuyển từ Trạm thu phí sang Trạm thu giá và việc này liệu có đúng luật? Trả lời những thắc mắc trên của dư luận, chiều 22/5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Theo đó, việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. BOT là một sản phẩm của DN nên họ tự định giá, còn phí thì mang tính chất Nhà nước.
"Phí sẽ do HĐND, Quốc hội quyết định, còn giá thì do DN tự ấn định và điều chỉnh cho phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân tích và cho biết thêm, khi chuyển sang thu giá, về bản chất lợi ích nhà đầu tư thu được vẫn như trước, nhưng việc điều chỉnh sẽ nhanh chóng hơn để đáp ứng điều kiện từng trạm thu tùy theo vị trí, khu vực; thậm chí có thể giảm giá để cân đối phương án tài chính.
"Việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Vị đứng đầu ngành giao thông cũng cho biết thêm, tuy vậy không có nghĩa chủ đầu tư muốn tăng giảm thế nào thì tùy, mà theo quy định mới, khung giá và giá tối đa sẽ chuyển về Bộ Giao thông vận tải điều tiết để trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa, thay vì Bộ Tài chính như trước đây. Về nguyên tắc, DN được quyền định giá nhưng Nhà nước có thể điều tiết theo thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân.
Đổi tên từ “thu phí" sang "thu giá" BOT: Có phải đường của doanh nghiệp đâu! (Tieudung.vn) - Bên hành lang Quốc hội sáng nay (23/5), đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm xung quanh việc từ “thu giá” lần đầu xuất hiện thay cho khái niệm "thu phí" BOT đã sử dụng lâu nay. |
Tới đây, Tổng cục Đường bộ sẽ quản lý toàn bộ các trạm thu giá. Như vậy, việc thu chi bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm người dân có thể giám sát được thông qua các thiết bị điện tử mang tính chất chính xác cao.
Đối với các quy định của pháp luật về vấn đề này, ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, trước đây các dự án BOT giao thông được quản lý theo hình thức thu phí. Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng với từng dự án.
Mỗi dự án BOT sẽ được Bộ Tài chính ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí cụ thể và mức phí nằm trong quy định chung tại Thông tư 159 năm 2013 của Bộ Tài chính.
Sau đó, việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá thực hiện theo quy định của Luật Phí và Lệ phí được Quốc hội thông qua năm 2015. Theo đó, từ 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ sử dụng đường bộ, được điều chỉnh bởi Luật Giá.
Như vậy, 2 cách gọi này khác nhau ở bản chất, Bộ Giao thông vận tải sẽ là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, thay vì thẩm quyền của Bộ Tài chính. Thực tế, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ này đã và đang là cơ quan ra quyết định đối với việc giảm mức thu đối với phương tiện tại các dự án BOT.
Tranh cãi chuyện phí/giá
Xét về các khái niệm, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công. Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý Nhà nước.
Như vậy, phí và lệ phí đều liên quan đến một khoản tiền chi trả cho dịch vụ công, của Nhà nước. Trong khi đó, những khoản phí phải trả không cho dịch vụ công, đấy lại là giá.
Trong trường hợp của Bộ Giao thông vận tải, trước đây đường sá, cầu cống được Nhà nước đầu tư xây dựng, để hoàn vốn, Nhà nước đặt trạm thu, gọi Trạm thu phí là chính xác.
Đến hiện nay đường sá, cầu cống đã chuyển cho tư nhân làm dưới hình thức BOT, do vậy đây không còn là dịch vụ công nên không thể áp dụng quy định tại Luật Phí và Lệ phí (hiệu lực từ ngày 1/1/2017), mà chuyển sang điều chỉnh bởi Luật Giá (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013). Vậy nên chuyển từ Trạm thu phí sang Trạm thu giá cũng là điều rất hợp lý.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về ngữ nghĩa của giá và phí. Phí là 1 khoản tiền cố định, trong khi đó giá không gắn liền với đồng tiền cụ thể, là giá trị được biểu hiện bằng tiền. Phí được cơ quan Nhà nước ban hành, quy định và điều chỉnh, còn giá do thị trường điều chỉnh. Chính từ đây đã dẫn đến những lo ngại về việc để các DN tự điều chỉnh mức giá thu, và người chịu thiệt nhất vẫn là người dân!
Trong chuyện này, hẳn nhiên Bộ Giao thông vận tải đã không sai, làm đúng luật, đúng quy trình. Thực tế các Trạm BOT hiện nay bị phản ứng vì đặt ở đường tránh, đường không làm mới mà chỉ sửa chữa, cộng với việc không minh bạch trong quản lý thu - chi, vị trí đặt trạm... cho nên dư luận có cớ để phản ứng trước sự thay đổi thu phí/thu giá của Bộ Giao thông vận tải.
Và, hiện giờ khi phương tiện lưu thông trên đoạn đường do Nhà nước làm thì người dân sẽ phải trả phí, còn lưu thông trên đoạn đường do DN bỏ vốn ra làm, người dân sẽ phải trả giá.