Trưa 24/4, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đăk Nông cho biết, đã có thông tin chính thức về vụ việc dùng tạp chất nhuộm than pin.
Cảnh sát kiểm tra cơ sở của bà Loan (ngày 16/4).
Theo thượng tá Bình, sau khi phát hiện vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khẩn trương tập trung điều tra, xác minh. Căn cứ lời khai của các đối tượng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 23/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra đối với 5 đối tượng, gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, ngụ thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’lấp), Phan Thị Dung (SN 1962, ngụ khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979, ngụ thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, nghề nghiệp: kinh doanh), Trần Văn Tuấn (SN 1976, ngụ thôn 2, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song).
Về mục đích làm ra hỗn hợp, bước đầu Loan và Bảo (chủ cơ sở) đều khai nhận đã bán 3 tấn phế phẩm cà phê trộn lõi pin cho Lê Thị Hồng Thơ, Trần Văn Tuấn (cùng ở Đăk Nông). Hai người này sau đó bán lại số hàng cho Phan Thị Dung (56 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung).
Khám xét kho nông sản của bà Dung tại ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, cảnh sát đã thu giữ 3 tấn phế phẩm cà phê.
"Cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ mục đích của việc sản xuất và thu mua phế phẩm cà phê này để làm gì", thượng tá Bình cho biết.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đang tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, chứng cứ để khởi tố bị can theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng trong vụ việc và sẽ sớm tổ chức họp báo để công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, ngày 16/4, cảnh sát Môi trường tỉnh Đăk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp ập vào kiểm tra cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Loan ở xã Đăk Wer, huyện Đăk R'lâp, bắt quả tang nơi đây đang trộn tạp chất vào cà phê phế thải.
Phế phẩm cà phê được chủ cơ sở sản xuất từ vỏ cà phê, hạt cà phê vụn, cát sỏi, nhuộm đen bằng lõi pin. Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp với ngành chức năng lập biên bản, niêm phong 21,265 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm nhuộm đen và được đóng bao bì, 192 kg lõi, nắp và vỏ pin, 40 lít dung dịch, 35 kg pin bị đập dẹp.