Cà phê nhuộm pin: Trường hợp cá biệt, đừng vì thế tẩy chay ngành cà phê trong nước!
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, phát biểu trên báo Người Lao Động cho biết, việc chủ cơ sở sản xuất cà phê dùng lõi pin để nhuộm đen cà phê là khá bất hợp lý. Theo ông Đỗ Hà Nam, pin có mùi hắc và khi trộn với cà phê, người dùng sẽ dễ dàng phát hiện ra ngay. Mặt khác, nếu như tính đến chuyện khử mùi hắc của pin trong cà phê để qua mặt người dùng, thì chi phí sẽ rất cao, và mục đích hưởng lợi nhuận từ cà phê siêu rẻ là không thực tế.
Vụ cà phê nhuộm pin ở Đắk Nông gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hướng nặng nề đến những doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê chân chính.
Còn theo ông Vũ Thế Thành (chuyên gia về an toàn thực phẩm), cứ cho là có khả năng chủ cơ sở sản xuất cà phê trên sử dụng lõi pin để tạo thành sản phẩm cà phê giá rẻ bán ra thị trường hưởng chênh lệch giá thành thì đây cũng là một trường hợp vô cùng cá biệt. Ông Thành cho rằng báo chí, truyền thông đã "làm hơi quá" khi nâng mức độ nghiêm trọng của vấn đề, khiến cho người tiêu dùng hoang mang và đánh đồng với nhiều nhà sản xuất cà phê khác ở trong nước. Ông Thành nhấn mạnh trường hợp cà phê nhuộm pin ở Đắk Nông là rất cá biệt, không phải là đại trà. Và tính đến nay, trong việc sản xuất cà phê, cũng chưa từng nghe đến việc dùng lõi pin để trộn vào cà phê để sản xuất cà phê giá rẻ.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cà phê trong nước vẫn làm ăn đàng hoàng, đăng ký sản phẩm và chịu sự quản lý kiểm tra của cơ quan chức năng. Ông Thành cho rằng, sự vi phạm của những doanh nghiệp này, có chăng chỉ là sự lách luật trong kê khai thành phần để giữ bí mật công thức.
Còn bà K.O, chủ một công ty rang xay cà phê đang mở chuỗi cửa hàng cà phê tại TP HCM thì cho rằng vụ nhuộm pin vào cà phê là vô cùng khó tin, bà cho biết chưa từng nghe thấy trường hợp nào như vậy trong suốt hơn 10 năm sản xuất, kinh doanh cà phê.Theo bà K.O, để làm cà phê giá rẻ, có rất nhiều cách, dễ nhất và phổ biến nhất là dùng bắp và đậu nành, thêm một số phụ gia, hóa chất. Việc dùng pin để nhuộm đen cà phê là không thực tế, thậm chí khó có thể sản xuất ra cà phê giá rẻ như báo chí đã đưa tin.
Thông tin về cà phê nhuộm pin theo bà K.O trong thời gian qua đã ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trong đến tình hình kinh doanh cà phê của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cà phê. Người tiêu dùng tỏ ra e ngại khi mua cà phê, hỏi rất kỹ về thành phần có trong cà phê, thậm chí một số người còn quay lưng không uống cà phê để bảo vệ sức khỏe.
Nghi vấn có phá hoại kinh tế?
Một cán bộ quản lý an toàn thực phẩm nông sản cho rằng không loại trừ có hàhh vi phá hoại kinh tế nói chung, ngành cà phê nói riêng liên quan đến thông tin này. Theo vị này, trên thực tế, vụ việc cà phê nhuộm pin ở Đắk Nông có nhiều điểm vô lý. Việc thu gom pin, đập ra để nhuộm vào cà phê tốn nhiều công sức và cả chi phí hơn là mua phẩm màu về nhuộm.
Thủ tướng cũng đã ra chỉ thị yêu cầu điều tra rõ chi tiết liên quan đến vụ việc sản xuất cà phê nhuộm pin ở Đắk Nông, đồng thời xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm. Trước khi có kết luận từ việc điều tra vụ việc trên, mong người tiêu dùng không vì sự việc cá biệt mà tẩy chay cà phê, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành cà phê nói riêng và kinh tế trong nước nói chung.
Vụ cà phê nhuộm đen bằng lõi pin bắt nguồn từ việc Công an môi trường Đắk Nông phát hiện một cơ sở ở xã Đăk Wer, huyện Đăk R'lâp có hai chậu chứa pin (khoảng 35 kg) đã được đập vụn, vỏ cà phê và xô chứa nước màu đen, cùng nhiều máy móc phục vụ sản xuất cà phê, sau đó dư luận dấy lên nghi ngờ có việc sản xuất cà phê nhuộm pin.
Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án dùng phế phẩm cà phê nhuộm dung dịch pin tại cơ sở bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú thôn 13, xã Đắk Wer, Đắk R’lấp) theo điều 317 - Bộ luật Hình sự năm 2015 để điều tra hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng theo đại tá Lê Vinh Quy, Cơ quan công an đã tạm giữ hình sự trong trường hợp khẩn cấp đối với 6 người, gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ông Nguyễn Xuân Bảo (chồng bà Loan), Ngô Ngọc Sơn (người làm thuê cho vợ chồng bà Loan) và 3 người khác.
Liên quan đến việc gian dối trong việc sản xuất, kinh doanh cà phê, mới đây lực lượng chức năng Phú Yên đã phát hiện và bắt giữ hơn 1000 gói cà phê được làm từ đậu nành và bắp, chỉ có 0.05% là cà phê do Công ty TNHH Hoàng Phú An (Phường 2, TP. Tuy Hòa, Phú Yên) sản xuất. Công ty này sau đó cũng đã bị phạt 200 triệu dồng cho hành vi gian lận thương mại trên.